Du lịch nụ cười

10:07, 15/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lourdes Heredia, nhà báo người Mexico, hiện làm việc cho BBC News và sống cùng gia đình ở London. Cô kể lại chuyến đi đạp xe xuyên Việt gần đây cùng một nhóm bạn. Tôi đã đọc bài báo này. Nó gây cho tôi một xúc cảm lớn, vì tác giả viết nó bằng tất cả sự chân thành, xuất phát từ trái tim. Đúng như chị đã viết: “Tôi học cách trân trọng nụ cười của người Việt Nam, vì nụ cười của họ chỉ xuất phát từ trái tim”.

TIN LIÊN QUAN

Lần đầu tới Việt Nam theo tour du lịch tự chọn, phương thức là đạp xe xuyên Việt cùng một nhóm bạn hữu, Heredia đã có thời gian và điều kiện trải nghiệm về... nụ cười Việt Nam. Với nữ nhà báo người Mexico này, thì “nụ cười Việt Nam” chính là hình ảnh đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, thu hút nhất cho chị.

Phải nói luôn, đó là nụ cười của người dân Việt, những người lao động rất đỗi bình thường mà Heredia đã gặp gỡ trên đường đạp xe xuyên Việt. Rồi nữ nhà báo kết luận: “Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Không có nụ cười giả tạo ở Việt Nam”.

Đảo Lý Sơn là điểm đến của nhiều du khách.                                                                    ẢNH: TL
Đảo Lý Sơn là điểm đến của nhiều du khách. ẢNH: TL


“Du lịch nụ cười” là tìm đến những nụ cười và được... cười với những nụ cười của người bản địa, bất kể họ ở đâu. Đó không phải là những nụ cười xã giao hay “ngoại giao”, nó phát xuất tự nhiên, hồn nhiên, không tính toán. Cười, trước hết là để cho mình, để mình được giải tỏa, được sảng khoái.

Nhưng những nụ cười hồn nhiên ấy lại là tác nhân đặc biệt tích cực khi “môi trường cười” là môi trường du lịch. Không thể sắp đặt hay “thiết kế” những nụ cười, dù là trong môi trường du lịch, vì du khách sẽ nhận ra ngay và biết ngay đó là những nụ cười giả tạo. Thường người ta chỉ cười khi đang vui. Nhưng lại thường hơn, người ta cười khi lòng mình không đau khổ hay vướng bận. Những nụ cười như thế, vừa cho mình, lại vừa cho người.

Tôi đã có dịp đi xuồng tới chợ nổi Cái Răng trên sông Hậu, Cần Thơ. Đó là một dạng chợ trên sông độc đáo ở vùng sông nước Đông Nam Á, thu hút rất nhiều khách du lịch. Vừa đây lại được xem một phóng sự hình ảnh của chợ này và điều đập vào mắt những người xem lại là những... nụ cười.

Những nụ cười ấm áp, thân gần, cởi mở của những người nông dân kiêm thương hồ đi thuyền bán nông sản thực phẩm trên chợ nổi. Rất nhiều khách du lịch quốc tế đã sung sướng nắc nỏm về món hàng được biếu không này. “Nụ cười Việt Nam, sao mà đáng yêu quá!” Một du khách người Đức đã bày tỏ.

Bây giờ mới thấy, nếu chợ nổi Cái Răng mà thiếu đi những nụ cười thoải mái của những thương hồ bán hàng, thì cầm chắc chợ nổi này sẽ mất đi ít nhất là 50% giá trị.

Lại về đảo Lý Sơn. Khách du lịch ta có, tây có đều cảm thấy hết sức thoải mái khi gặp những nụ cười của người dân Lý Sơn, dù là người dân biển hay người dân trồng hành tỏi. Họ là những người lao động nặng, lao động cực nhọc, nhưng họ vẫn cười tươi với khách, mời đón khách đến thăm hòn đảo quê hương mình.

Đó là những nụ cười đã vượt lên sau bao cuộc chiến tranh, can qua, loạn lạc, qua bao khổ đau chua chát. Ngày chiến tranh, khi vượt Trường Sơn ngót hai nghìn cây số, dọc đường gian khổ và cả chết chóc ấy đã có biết bao chuyện tiếu lâm, biết bao tiếng cười và còn nhiều hơn những nụ cười của người đi kháng chiến.

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc”. Vâng, “thuốc” ấy dành cho mình và cả cho người khác, cho mọi người. “Du lịch nụ cười” là như vậy.       

 THANH THẢO


 

.