Câu chuyện về "kinh doanh chia sẻ"

09:06, 30/06/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Cái gì tăng trưởng nóng quá cũng có lúc phải gặp rủi ro. Nhưng rủi ro trong kinh doanh cũng là một “người đồng hành gần gũi”, không ai vì “người bạn” hơi khó chịu này mà từ bỏ kinh doanh cả.
TIN LIÊN QUAN

“Kinh doanh chia sẻ”- mô hình kinh doanh có lẽ là mới mẻ nhất thế giới cho tới thời điểm này, là một cái gì thu hút ghê gớm giới kinh doanh trên toàn thế giới. Đơn giản, vì nó mang lại lợi nhuận “khủng”, vì nó rất phù hợp để phát triển trên thị trường toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số.

Dăm năm trước, Việt Nam bắt đầu biết tới Grab, một hình thức kinh doanh taxi “không phải taxi”. Tôi còn nhớ, năm 2014, tôi vào Sài Gòn chuẩn bị đi Thái Lan nhận giải văn học ASEAN. Vợ chồng tôi đi cùng đứa cháu “xã hội” làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cháu tình nguyện làm phiên dịch cho chúng tôi trong suốt hành trình.
 
Một buổi chiều, trước nhà thờ Đức Bà, tôi đang định vẫy taxi truyền thống như mọi lần, thì cậu cháu nói: “Bác để cháu gọi Grab đi rẻ hơn”. Liền đó, cháu rút điện thoại di động loại smartphone và gọi. Chỉ lát sau, đã có một chiếc xe du lịch 4 chỗ trờ tới đón chúng tôi. Mãi lúc đó, tôi mới biết có một loại hình kinh doanh xe chở khách, không phải taxi mà “tương tự” taxi. Có điều, cách vận hành của loại xe chở khách này rất khác taxi truyền thống.
 
Ngồi trên xe, tò mò tôi hỏi bác tài, một lái xe còn khá trẻ, mới biết, loại hình kinh doanh này mới có tại TP.HCM, hỏi chủ loại hình xe này là ai, bác tài trả lời khá mơ hồ, hỏi thu nhập, thì nói cũng tạm khá, hỏi xe của ai, thì nói ngay là xe của mình, hỏi chia sẻ phần trăm thế nào, thì nói là được 80% tính theo tổng thu, nhưng mọi khoản mình phải chịu.

Lúc đó, tôi chỉ biết loại hình xe Grab tới mức đó và chính tôi cũng còn rất băn khoăn, vì mọi liên lạc tiếp xúc với chủ hãng chỉ qua điện thoại thông minh, liên hệ với khách hàng cũng chỉ qua điện thoại đó. Nếu hồi xưa mà nói vậy, chả ai tin, vì mình làm cho chủ, mà chủ ở đâu mình không biết. Nhưng tuy có vẻ bí hiểm thế, nhưng nhất cử nhất động, mọi giao dịch của tài xế với khách hàng, tiền thu được bao nhiêu, đoạn đường chạy từ đâu tới đâu, “chủ” đều biết. “Chủ” ở đây là cái phần mềm, cài sẵn trong điện thoại thông minh của lái xe.

Tôi không phải người rành công nghệ thông tin, nhưng cũng cảm nhận được, hình thức kinh doanh xe nhỏ chở khách như thế này thật quá tiện lợi, chỉ cần khách có một chiếc smartphone. Giá thuê xe lại rẻ hơn giá taxi truyền thống tính theo đồng hồ. Những khách hàng thích “chọe” lại có thể khiến người ngoài tưởng là mình đang đi con xe “của nhà”, vì xe không có bất cứ dấu hiệu gì của xe taxi cả. Thế mới kinh!

“Kinh tế chia sẻ” nhằm nói về một hiện tượng dịch vụ mới, trong đó những cá nhân có thể chia sẻ cùng sử dụng tài sản của nhau thông qua một bên thứ ba là một ứng dụng mạng làm cầu nối. Mỗi ngày, có hàng chục triệu người tương tác với nhau thông qua các điện thoại thông minh và máy tính bảng xách tay, trao đổi vô số hàng hóa và dịch vụ dựa trên sự đánh giá và tin tưởng của những người dùng trước đó.

Chỉ như thế thôi, nhưng nếu không tới thời đại điện thoại smartphone thì cũng chưa thể xuất hiện hình thái kinh doanh chia sẻ này. Hồi trước, nghe thuật ngữ “dữ liệu lớn”(big data) chẳng hiểu gì. Bây giờ thì lờ mờ hiểu rằng, sự thu thập dữ liệu cá nhân qua internet là quan trọng như thế nào với những nhà kinh doanh thời kỹ thuật số.
 
Thu thập dữ liệu nhiều chừng nào, lớn chừng nào, thì khả năng kinh doanh phát triển chừng ấy. Điều đó có lợi cho nhà kinh doanh, cho kinh doanh, nhưng mặt trái của nó là xâm phạm “quyền tự do riêng tư” của cá nhân.

Cuộc đấu đá nảy lửa này chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Cũng như vậy, kinh doanh chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hình thức tương tự taxi càng phát triển thì càng… bất lợi cho taxi truyền thống. Vì thế, không lạ chuyện taxi Vinasun khởi kiện hãng kinh doanh Grab Việt Nam, và cuộc kiện ra tòa này cũng không biết bao giờ giải quyết ổn thỏa.
 
Chưa kể, hình thức kinh doanh chia sẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật số lại là một thách thức lớn với các cơ quan quản lý, với ngành thuế vốn quen với cách tính thuế và thu thuế theo truyền thống. Khi quản lý bằng công nghệ thông tin chưa theo kịp, chưa thích ứng với công nghệ thông tin trong kinh doanh, thì những chuyện “trốn thuế”, “né thuế” là chuyện thường ngày ở cấp quốc gia chứ không phải ở cấp… huyện.

Nhưng kinh doanh bằng công nghệ cao, kinh doanh chia sẻ là hình thức kinh doanh không thể phủ nhận được trên toàn thế giới, dù sự công nhận nó chưa có sự đồng nhất ở mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ. Nó mang lại lợi ích trước nhất cho người tiêu dùng, kế đến nó mang lại lợi nhuận khủng cho nhà kinh doanh. Khi cái máy điện thoại thông minh lên ngôi trên toàn thế giới, những hiệu quả và cả hệ quả nó mang lại mới lớn lao đến chừng nào!

Quản lý như thế nào để phát huy “mặt sáng” của hình thức kinh doanh này, và làm sáng lên, làm “lộ sáng” mặt tối của nó để quản lý, đó là việc không hề dễ dàng, nhưng bắt buộc phải làm.  
     
Hình thức kinh doanh nào, khi mang lại lợi nhuận khủng cũng sẽ khiến bao người hăm hở “vác mai đi đào”. Và như thế, chắc chắn rủi ro sẽ cao hơn. Trung Quốc không phát minh ra hình tức kinh doanh chia sẻ này, nhưng họ tiếp thu và phát triển rất nhanh hình thức ấy để thu lợi, không chỉ trong nội địa Trung Quốc, mà đến cả các nước Mỹ La tinh và… châu Phi.
 
Ngay Mexico bên cạnh Mỹ, nhưng các công ty kinh doanh chia sẻ vận tải và đưa thức ăn trực tuyến, đặt phòng khách sạn, vé máy bay (hình thức Airbnb) của Trung Quốc đã xâm nhập rất sâu rồi.

Người ta nói Uber đang “lỗ nặng” trong hình thức kinh doanh này vì nhiều lý do, nhưng chưa ai nói hãng này bị phá sản. Lợi nhuận có thể không còn “nóng” như thời ban đầu, nhưng điều đó lại kích thích họ tìm tới những giải pháp công nghệ mới, hiện đại hơn, phổ cập hơn.

Điều đáng nói, là hình thức kinh doanh chia sẻ bằng kỹ thuật số đã và đang thu hút ghê gớm với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Đây là lực lượng có kiến thức, có trình độ về công nghệ thông tin, và nhất là dám làm, dám tìm tới những cái mới.
 
Sự hơn hẳn của hình thức kinh doanh chia sẻ chính là ở lực lượng lao động của nó, một lực lượng đã trẻ lại còn giỏi về kỹ thuật cao, về công nghệ thông tin. Chính họ sẽ đưa hình thức kinh doanh này lên những bậc cao mới, và độ lan tỏa sẽ ngày càng mạnh mẽ./.
 
Thanh Thảo

.