Cái kết được báo trước

09:03, 05/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc hàng loạt diện tích mía ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) được chính những người trồng ra nó đốt bỏ để trồng loại cây khác như một cái kết được báo trước. Cái kết đó là, sớm muộn gì đồng mía tỉnh Quảng Ngãi - nơi có nghề làm đường truyền thống lâu đời nhất miền Trung - cũng sẽ bị khai tử. Nguyên nhân thì nhiều, song điều dễ nhận ra nhất, đó là trồng mía bây giờ không có lãi so với một số loại cây trồng khác trên cùng một mảnh ruộng đó.

TIN LIÊN QUAN

Những người trồng mía ở xã Tịnh Hà - nơi được xem là vùng mía trọng điểm một thời của Nhà máy Đường Quảng Ngãi tính toán: với giá mía mà nhà máy đường thu mua như hiện nay là 660.000 đồng/tấn mười chữ đường trong khi người trồng mía bán cho thương lái 770.000 đồng/tấn, nên không ai dám buôn mía như những năm trước cả. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 - 40 xe chở mía, giảm hơn một nửa so với mọi năm.

Lý do là không có mía để chở, vì nông dân bỏ luôn mía khô trên đồng. Thậm chí nhiều nơi, người trồng mía biếu không, nhưng cũng chẳng có ai dám nhận vì tiền thuê công chặt mía, cộng với phí vận chuyển, bao gồm cả phí qua trạm thu phí thì lỗ nặng. Số xe nói trên hiện chỉ hoạt động ở vùng mía phía nam bao gồm Ba Tơ, Đức Phổ và Mộ Đức, còn những huyện phía bắc của tỉnh hầu như mía bị bỏ khô trên đồng.

Giá thu mua mía năm nay thấp tận đáy là do giá đường thế giới cũng xuống ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì vậy, không chỉ ở Quảng Ngãi, người trồng mía mới điêu đứng mà hầu như vùng mía nào trên cả nước cũng cùng cảnh ngộ.

Tuy nhiên, đối với một số vùng mía chuyên canh ở các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, thì hòa vốn hoặc có lãi chút ít, do năng suất mía ở những nơi đó từ 80 đến trên 100 tấn/hecta, trong khi đồng mía Quảng Ngãi sau mấy chục năm cải tạo về giống lẫn dồn điền, nhưng năng suất vẫn không tăng lên bao nhiêu. Trong khi đó, một số loại cây trồng khác như mì, keo, các loại đậu thì hiệu quả rất cao do tiền đầu tư không như trồng mía.

Vấn đề làm “đau đầu” cho cả nông dân lẫn nhà máy đường là, lấy tiền đâu để trả cho số nợ mà nhà máy đã tạm ứng lúc vào vụ năm rồi? Năm 2018, toàn tỉnh hiện chỉ còn hơn 2.900ha mía, nhưng số tiền “tạm ứng” có thể lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi mía thì chết khô ngoài đồng, nên việc thu hồi đồng vốn là rất khó khăn. Hơn nữa, sau vụ mía này, nhiều người sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác. Điều này đồng nghĩa với việc nhà máy đường không thể cấn trừ nợ bằng mía như mọi năm mà nhà máy vẫn làm.

Đã đến lúc ngành mía đường tỉnh nhà cũng nên tính toán lại việc có nên tiếp tục duy trì ngành mía nữa hay không. Vì theo như báo cáo của Công ty CP Đường Quảng Ngãi, thì riêng Nhà máy Đường Phổ Phong hai năm nay đều không có lãi, thậm chí lỗ nữa.


                   TRẦN ĐĂNG
 


.