Phải lấy ý kiến của người dân

10:10, 30/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa có ý kiến chỉ đạo các địa phương, các sở ngành liên quan và chủ doanh nghiệp phải lấy ý kiến người dân trong vùng triển khai dự án thủy điện trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.

Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu: Từ nay, khi quy hoạch và triển khai đầu tư bất cứ dự án thủy điện nào đều phải bắt buộc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án. Dĩ nhiên, khi lấy ý kiến từ người dân trong vùng dự án, doanh nghiệp đó phải tìm được sự đồng thuận cao trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

TIN LIÊN QUAN


Vậy là, tiếp sau yêu cầu phải có sự đồng thuận trong dân khi triển khai các dự án nhà máy xử lý rác hồi tháng 9.2018, đây là yêu cầu bắt buộc thứ hai của lãnh đạo tỉnh về việc tìm sự đồng thuận trong dân đối với các chủ đầu tư, nhưng ở lĩnh vực thủy điện. Khác với các nhà máy xử lý rác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án, các nhà máy thủy điện có vẻ như ít tác động hơn và khó nhìn thấy hơn.

Nói “có vẻ” là vì, chỉ khi nào có lũ lớn hoặc khô kiệt vùng hạ du phía sau đập thủy điện thì khi ấy, ảnh hưởng từ thủy điện mới thấy rõ nhất. Còn nếu như năm nào cũng “mưa thuận gió hòa”, thì hầu như ít thấy tác động gì từ thủy điện đối với cuộc sống của người dân trong vùng dự án.

Tuy nhiên, dù là tác động trực tiếp hay gián tiếp thì việc triển khai bất kỳ một dự án thủy điện nào cũng cần có sự tham vấn và đồng thuận từ người dân. Phần lớn các dự án thủy điện đều nằm ở vùng thượng nguồn các con sông, nơi đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cuộc sống của họ còn khá chật vật. Vì vậy, việc nhận một số tiền đền bù kha khá khi giải phóng mặt bằng cho các công trình thủy điện là họ đồng ý ngay, nhưng khi dự án đi vào vận hành thì tác hại bắt đầu xuất hiện. Những vụ khiếu nại kéo dài tại những vùng triển khai các công trình thủy điện thời gian qua đã nói lên điều đó.

Doanh nghiệp được xem như “nguồn sống” của mỗi quốc gia. Thế nhưng, nguồn sống đó phải được cắm rễ trên lợi ích của cả cộng đồng, chứ không thể người dân trong vùng dự án thì gặp khó khăn trong khi doanh nghiệp thì giàu lên từ dự án đó. Tìm sự đồng thuận trong dân cũng không có nghĩa là hợp thức hóa sự đồng ý bằng những chữ ký mà phải được xuất phát từ trách nhiệm thật sự của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

Chỉ có thể tìm sự đồng thuận bằng trách nhiệm như thế thì các dự án mới có “tuổi thọ” cao. Tử tế với người dân thì sẽ nhận được từ họ sự ủng hộ cao nhất, còn đối xử với họ bằng sự trí trá thì sẽ nhận những hậu quả khó lường. Lấy ý kiến từ dân cũng là một cách thể hiện sự tử tế vậy.


 TRẦN ĐĂNG
 


.