Nâng cao trách nhiệm giải trình

09:10, 11/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Nghị định số 90 của Chính phủ, giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Trong việc đánh giá chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), thì trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương cũng là một trong những nội dung hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp ở nước ta chưa cao. Mức độ tương tác giữa người dân và chính quyền còn thấp. Chất lượng việc giải trình chưa cao, có nơi còn hình thức trong thực hiện, thiếu rõ ràng. Trong khi đó, cán bộ, công chức thực thi công vụ còn nặng tính “cửa quyền”; một số cán bộ, công chức cho rằng, họ chỉ có nhiệm vụ báo cáo, giải trình với cấp trên, còn với người dân, tổ chức thì "không".

Về phía người dân, dường như chưa ý thức được về quyền yêu cầu giải trình của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chưa có nhu cầu về việc buộc cơ quan quản lý nhà nước phải giải trình. Ngoài ra, có hai thiết chế quan trọng để người dân tham gia giám sát và yêu cầu trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền với người dân là ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai ban này còn rất thấp, người dân dường như không biết sự tồn tại của hai thiết chế này.

Đối với Quảng Ngãi, việc thực thi trách nhiệm giải trình tuy đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Hoạt động giải trình chủ yếu chỉ thực hiện khi có yêu cầu, giới hạn trong nội bộ cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng còn mang tính hình thức.

Để thực thi tốt trách nhiệm giải trình, vấn đề đặt ra hiện nay là, cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nhà nước, phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu trách nhiệm với những công việc được giao. Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ góp phần giảm đáng kể các vụ khiếu kiện, thắc mắc của người dân đến các cơ quan nhà nước. Trong đó, tổ chức đối thoại có thể được xem là hình thức giải trình hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo các cấp trực tiếp đối thoại với dân là hình thức sinh hoạt dân chủ, công khai và có tính quần chúng cao. Khi đối thoại, các bên cần tranh luận, chất vấn một cách bình đẳng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Đây cũng là nét văn hóa trong giao tiếp giữa cán bộ với người dân.


PHẠM DANH
 


.