Kiểm soát nguồn vốn tạm ứng

04:10, 28/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong  lĩnh vực đầu tư công, chủ đầu tư được quyền tạm ứng vốn cho nhà thầu (đơn vị trúng thầu, hoặc được chỉ định thầu) để triển khai thi công công trình là thủ tục không thể thiếu trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo quy định, mức vốn tạm ứng tối đa cho nhà thầu không vượt quá 50% giá trị hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng). Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn thì phải được người quyết định đầu tư cho phép.

Cụ thể là, mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với hợp đồng tư vấn: Hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng; hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng. Đối với hợp đồng thi công xây dựng: Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng; hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng; hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

Để được tạm ứng vốn, nhà thầu phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với công trình, dự án mà doanh nghiệp (DN) trúng thầu, đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch, hoặc phương án thi công theo từng giai đoạn cụ thể và thời gian hoàn thành; được thể hiện rõ trong hợp đồng.

Quy định của pháp luật cũng yêu cầu chủ đầu tư phải quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn tạm ứng của DN, nhằm tránh việc sử dụng vốn tạm ứng sai mục đích, gây thất thoát cho ngân sách. Trong trường hợp để DN chiếm dụng vốn, thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu hồi và chịu trách nhiệm trước pháp luật trước số vốn bị mất.

Quy định là vậy, nhưng thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều chủ đầu tư buông lỏng trong công tác quản lý vốn tạm ứng. Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thu hồi dứt điểm nguồn vốn tạm ứng quá hạn (31.12.2015), với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng/ trên tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị chưa thu hồi nguồn vốn tạm ứng theo chỉ đạo của tỉnh; đồng thời yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương này chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước làm việc với nhà thầu làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp thu hồi dứt điểm số tiền trên trả lại cho ngân sách nhà nước.

Đối với những công trình đang đầu tư hiện nay, để tránh tình trạng nhà thầu chiếm dụng vốn, hoặc sử dụng vốn sai mục đích, chủ đầu tư cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của nhà thầu và tiến độ thi công công trình. Kho bạc Nhà nước tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm soát công tác chi, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các DN.


Đức Nguyễn
 


.