Công đoàn và người lao động

10:10, 05/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong hiện tại, người lao động (NLĐ) Việt Nam mà tập trung là giai cấp công nhân công nghiệp đã trở thành lực lượng lao động chủ chốt không chỉ trong công nghiệp, mà trong toàn bộ guồng máy lao động của xã hội.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa diễn ra tại Hà Nội. Trong hiện tại, người lao động (NLĐ) Việt Nam mà tập trung là giai cấp công nhân công nghiệp đã trở thành lực lượng lao động chủ chốt không chỉ trong công nghiệp, mà trong toàn bộ guồng máy lao động của xã hội.

Ai cũng biết, lực lượng lao động và sáng tạo là quyết định cho sự phát triển của quốc gia. Trong thời đại tiền cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động ấy, hình ảnh người công nhân đã phủ sóng lên toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Công nhân không còn là người làm thuê thụ động như những năm về trước. Họ cần một tổ chức Công đoàn thực sự của mình, thực sự vì quyền lợi của mình, thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho họ lao động, không chỉ để làm giàu cho chủ doanh nghiệp, mà còn làm giàu cho đất nước.

Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ, với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện NLĐ trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua. Cùng với đó, công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.

Nhưng nói tới NLĐ với số phận của họ, không chỉ nói tới những con số, mà phải nói tới con người. Trong thực tế, giai cấp công nhân vẫn là giai cấp lao động nặng nhọc nhất, nhưng có thu nhập vào hạng thấp nhất và có đời sống cũng đứng vào hàng khó khăn nhất. Nhiều công nhân trẻ đã không dám lập gia đình, có gia đình rồi vẫn không dám có con, khi có con rồi thì vô cùng vất vả lo cho con, từ chỗ gửi trẻ, nhà mẫu giáo, tới nhà trường học tập. Bữa ăn của công nhân, nhà ở của công nhân vẫn là nỗi xót xa của những người hoạt động Công đoàn thực sự có trách nhiệm và của toàn xã hội. Không thể thay đổi thực trạng ấy trong ngày một, ngày hai, nhưng nhất định phải thay đổi, nếu muốn đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao.

Vì vậy, việc thí điểm mô hình tổ chức Công đoàn trong các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty nhà nước thoái vốn, các doanh nghiệp có cùng chủ sử dụng lao động là hết sức cần thiết. Không thể để những “vùng trắng” không có tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả trong bất cứ mô hình doanh nghiệp nào. Và ở đâu có chủ lao động, có công nhân lao động trong một số lượng nhất định nào đó, là phải có tổ chức Công đoàn.

Hình ảnh những người làm công tác công đoàn lặn lội tới từng phân xưởng sản xuất, tới từng bữa ăn giữa ca của công nhân, tới từng căn nhà trọ của công nhân, gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng, bức xúc, góp ý của họ, tìm mọi biện pháp có thể trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền lao động hợp pháp, quyền sống được Hiến pháp bảo vệ của công nhân phải là hình ảnh chủ đạo của tổ chức Công đoàn.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công đoàn là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, NLĐ làm cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, NLĐ làm một mục tiêu hoạt động; chú trọng phương thức đối thoại, thương lượng tập thể và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ”.

Đó cũng là mục tiêu cho hoạt động Công đoàn trong thời kỳ mới, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tới rất gần với Việt Nam.

THANH THẢO
 

.