Cảm giác tận thu

10:05, 29/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong buổi thảo luận ở tổ của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, vào sáng 22.5.2018, ĐBQH Nguyễn Hữu Thuận (nhà báo Thuận Hữu, đại biểu Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân), đã có phát biểu rất đáng chú ý.

Đề cập tới dự án tăng thu phí môi trường với xăng dầu, đại biểu Thuận Hữu nói: “Người ta cũng thấy có cái gì đó không thỏa đáng và có cảm giác là tận thu". Trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH TP.Hải Phòng), đại biểu Nguyễn Hữu Thuận phát biểu: "Thẳng thắn báo cáo với Thủ tướng rằng cũng nên tính toán, để mỗi chính sách ban hành ra, trước hết đặt vào vị trí của người dân. Chứ nói thật, nhiều khi các bộ, các ngành cứ đưa ra để mà áp đặt, gây bất bình và hoài nghi trong xã hội".

Đã lâu mới nghe được một phát biểu thẳng thắn của đại diện giới báo chí Việt Nam tại một kỳ họp Quốc hội.

Việc đề xuất tăng thu phí môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính, báo chí đã đăng nhiều ý kiến của người dân, đa phần là “băn khoăn” (một chữ dùng của báo chí với hàm ý giảm nhẹ đang phổ biến hiện nay) về việc tăng phí này. Ai cũng biết, môi trường là chuyện lớn và gây ra ô nhiễm môi trường là trách nhiệm toàn xã hội, chứ không riêng những người sử dụng xe máy, hoặc ô tô.

Chẳng hạn như vụ cá nuôi bè chết hàng nghìn tấn mới đây ở La Ngà, Định Quán (Đồng Nai), người nuôi cá điêu đứng, ở bên bờ vực phá sản, thì chắc không phải do... khói xăng dầu, mà do nhà máy hay doanh nghiệp nào đó lén xả thải ra sông, khiến nước sông ô nhiễm tới mức bốc mùi hôi thối, khiến cá không thở được.

Có thể với việc tăng phí môi trường đánh vào xăng dầu, thì người giàu cảm thấy “không có vấn đề gì”, nhưng với người nghèo đi xe máy, thu nhập thấp, thì mỗi tháng chịu thêm hơn một trăm nghìn đồng không hề là chuyện nhỏ. Bởi, họ còn đang chịu hàng chục loại thuế, phí nữa, mà phí nào cũng tính bằng tiền, trong khi thu nhập của họ vẫn eo hẹp, thì có thể nói, bao nhiêu mồ hôi nhọc nhằn họ phải “lãnh trọn gói”.

Vì thế, đúng như đại biểu Thuận Hữu nói, “mỗi chính sách ban hành ra, trước hết phải đặt vào vị trí của người dân”. Để mà cảm nhận, để mà chia sẻ, để mà tính toán, làm sao người dân trong khi đóng các loại thuế hay phí hợp lý cho Nhà nước không có cảm giác mình “đang bị tận thu”. Vì một khi có cảm giác ấy, người dân sẽ nảy sinh rất nhiều ý nghĩ tiêu cực khác  và khoảng cách giữa người dân với chính quyền sẽ ngày càng cách xa ra.

Thu thêm chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho phí môi trường qua xăng dầu, số tiền ấy cũng là lớn. Nhưng nếu tiết kiệm chi ngân sách cho những việc chưa cần thiết như mua sắm xe ô tô mới, xây trụ sở hành chính hoành tráng hàng nghìn tỷ đồng ngay ở những địa phương vẫn còn đang ở tốp nghèo nhất nước, thì số tiền tiết kiệm được vẫn nhiều hơn số tiền “tận thu” qua các loại phí.

Hãy tiết kiệm, hãy chống lãng phí trước khi “tận thu” qua thuế và phí. Vì túi tiền của người dân thường, dân nghèo không hề là “túi ba gang” hay “của kho vô tận”. Nó eo hẹp lắm.

Rất mong có thêm nhiều tiếng nói cho người dân của các ĐBQH, vì nghĩ cho cùng, họ là đại biểu của dân, do dân bầu ra mà.     


 THANH THẢO
 


.