Phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh:
Lãng phí lớn ở công trình nước sạch và chợ nông thôn

07:04, 24/04/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Tại phiên giải trình giữa 2 kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh diễn ra ngày 24.4, các đại biểu đã tập trung chất vấn 4 nội dung, trong đó công tác quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn, miền núi và quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là 2 nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm nhiều nhất.

Phát biểu tại phiên giải trình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nêu rõ: Tại phiên giải trình lần này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giải trình về kết quả thực hiện chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh vào tháng 4.2017 đối với việc quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn, miền núi, Quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức thi hành án dân sự về tiền đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, việc triển khai thực hiện dự án hiện đại và hóa hệ thống quản lý đất đai.
 
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại phiên
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại phiên giải trình


Đây là các vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Vì thế, các sở, ngành chức năng cần tập trung trao đổi, thảo luận tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhiều chợ nông thôn xây xong, tiểu thương không vào

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 146 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 1; 9 chợ hạng 2 và 134 chợ hạng 3. Trong số 146 chợ hiện có thì chợ nông thôn chiếm 127 chợ, còn lại là chợ thành thị. Về công tác xã hội hóa đầu tư đã có 15 chợ được doanh nghiệp, HTX đầu tư quản lý. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều chợ ở các xã nông thôn không phát huy tác dụng. Nhiều chợ xây xong vẫn không có tiểu thương vào kinh doanh mua bán.

Ông Trần Phước Hiền- Giám đốc Sở Công thương
Ông Trần Phước Hiền- Giám đốc Sở Công thương
Cụ thể như chợ Ba Liên, huyện Ba Tơ. Hiên chợ này không có hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán và đã xuống cấp. Chợ trung tâm xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Chợ này có vốn đầu tư 4 tỷ đồng và bàn giao vào cuối năm 2011 nhưng đến nay vẫn trong tình cảnh đìu hiu. Mặc dù đã được chính quyền địa phương khuyến khích, động viên các tiểu thương, nhưng rất ít người đến kinh doanh, buôn bán.

Giải trình về tình trạng bất cập trong công tác quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn, miền núi thời gian qua, ông Trần Phước Hiền – Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi cho biết: hiện vẫn còn 8 chợ ở các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Đức Phổ do chưa đánh giá đầy đủ nhu cầu thực tế của địa phương nên chợ đầu tư xây dựng xong không có người vào họp chợ, gây bức xúc dư luận, lãng phí vốn đầu tư.
 
Sau phiên chất vấn của HĐND tỉnh, trong 1 năm qua, Sở Công thương và các địa phương đã vận động, tuyên truyền, đưa bà con tiểu thương vào buôn bán và cơ bản giải quyết được 5 chợ. Số chợ còn lại, sở sẽ tiếp tục vận động và có các biện pháp đưa tiểu thương vào chợ.  
 
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi, việc quy hoạch chợ hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu hay chưa? Từ nay đến năm 2020, việc thu hút đầu tư, xã hội hóa, quản lý chợ nông thôn cũng như kiểm soát các điểm họp chợ nhỏ lẻ, tự phát, buôn bán hàng hóa mất an toàn thực phẩm như thế nào? Giải trình vấn đề này, ông Trần Phước Hiền – Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi, khẳng định: Năm 2018 này, sở sẽ phối hợp với các địa phương kiên quyết loại bỏ các chợ không nằm trong quy hoạch.
 
Chợ
Chợ trung tâm xã Bình Phước, huyện Bình Sơn bỏ hoang vì tiểu thương không vào buôn bán


Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng, việc tiểu thương không chịu vào chợ mua bán một phần trong quá trình khảo sát xây dựng chợ thiếu lấy ý của tiểu thương, người dân trong vùng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để sau này việc quy hoạch chợ cần phải lấy ý kiến người dân và tiểu thương. Đối với những chợ không phát huy hiệu quả thì địa phương cần xây dựng phương án vận động tiểu thương vào buôn bán, và nếu không được thì cần xin chủ trương chuyển đổi mục đích.

Đối với những chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường thì chính quyền địa phương cũng cần vận động tuyên truyền cho người dân, đồng thời cương quyết xử lý tình trạng gây mất trật tự an toàn cũng như mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ này.

Chốt lại phần giải trình về vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu trong thời gian tới, Sở Công thương và các huyện, thành phố cần rà soát lại quy hoạch, những chợ không hợp lý thì loại bỏ. Có những chợ phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp với tập quán buôn bán ở các vùng, miền, địa phương thì cần nghiên cứu hình thức phù hợp.

Tập trung tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm một số chợ còn tồn tại. Phối hợp các địa phương đầu tư, nâng cấp sửa chữa chợ đúng quy hoạch nhưng xuống cấp. Huy động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng chợ. Giải quyết chợ tự phát, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không đúng nơi quy định.

Gần 50% công trình nước không phát huy hiệu quả
 
Nhiều bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, là nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 495 công trình cấp nước nông thôn tập trung với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Trong đó, có 34 công trình hoạt động hiệu qủa, 214 công trình ở mức trung bình, 107 công  trình hoạt động không hiệu quả và 140 công trình không hoạt động.

Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay vẫn còn những công trình nước sạch chưa bàn giao và định hướng sẽ bàn giao cho tổ chức nào quản lý, khai thác hiệu quả nhất.

Đối với  những công trình nước sạch không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả sẽ khắc phục, sửa chữa như thế nào trong thời gian tới. Đối  với những công  trình không khắc phục, sửa chữa được sẽ xử  lý ra sao?

Đại biểu HĐND tỉnh cũng đặt vấn đề, trong số 495 công trình được đầu tư trên địa bàn tỉnh, có trên 50% công trình hoạt động không hiệu quả và không hoạt động, đa số ở các huyện miền núi. Đây là sự lãng phí rất lớn đầu tư. Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước ở cơ sở trong vấn đề này là như thế nào? Giải pháp gì để quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Giải trình vấn đề này, ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, cho rằng, việc khảo sát để xây dựng các công trình nước sạch thời gian qua còn bất cập, dẫn đến công trình nước không phát huy được hiệu quả bởi chất lượng nước không đạt như nhiễm phèn, mặn.

Ngoài ra, nhiều địa phương hầu như thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến quản lý công trình dẫn đến công trình đưa vào sử dụng thời gian đã hư hỏng. Để khắc phục vấn đề này, các địa phương cần bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ công trình để sử dụng lâu dài.

 

Công trình nước sạch Nghĩa An được xây dựng gần 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng
Công trình nước sạch Nghĩa An được xây dựng cách đây gần 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng



Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính, cho rằng, toàn tỉnh có 495 công trình nước sạch thì có tới 236 công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, thì đây là sự lãng phí rất lớn, cần nhìn nhận trách nhiệm từ khâu khảo sát đến đầu tư xây dựng, vận hành, trong đó có trách nhiệm rất lớn của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Về phía UBND tỉnh cũng nhận trách nhiệm về vấn đề này. Trong thời gian tới, các huyện cần rà soát lại công trình nào không hiệu quả và không hoạt động thì tổng hợp gửi UBND tỉnh để xử lý. Các huyện, các địa phương có công trình cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các công trình nước sạch cho người dân.

Liên quan vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần chủ động động rà soát, chỉ đạo giải quyết tốt nhất vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tránh tình trạng đưa vấn đề này ra giải quyết nhiều lần nhưng tồn tại vẫn kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tính toán, phân bổ nguồn lực làm thế nào để đầu tư hiệu quả, chất lượng, tránh gây lãng phí. Trong sáng nay, các đại biểu cũng đã nghe phần giải trình về việc tổ chức thi hành án dân sự về tiền đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra, việc triển khai thực hiện dự án hiện đại và hóa hệ thống quản lý đất đai.

Cũng tại phiên giải trình, Giám đốc đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án hiện đại và hóa hệ thống quản lý đất đai (VLAP); Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh giải trình vì sao việc tổ chức thi hành án dân sự về tiền đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra.

 

Bài, ảnh: M.Toàn
 


.