Phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII:
Đại biểu quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm và đất rừng

10:12, 08/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII, ngày 8.12, các đại biểu tham dự kỳ họp đã chất vấn lãnh đạo Sở Y tế và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh về vấn đề an toàn vệ sinh an thực phẩm và lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đơn vị thành phố Quảng Ngãi đặt câu hỏi, thực trạng hiện nay, rất nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bản tỉnh có đủ giấy tờ liên quan đến kinh doanh thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nhiều cơ sở không đảm bảo các điều kiện về trang bị bảo hộ lao động, môi trường sản xuất, chế biển chưa đảm bảo…
 
Qua giám sát thực tế tại 80 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở cả 3 lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp và Công Thương thì có 46% cơ sở vi phạm về hồ sơ pháp lý, 68% cơ sở vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu… Đề nghị Giám đốc các Sở Y tế, Nông nghiệp & PTNT và Công thương cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến các qui định pháp luật về ATTP như thế nào? Quá trình kiểm tra để cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, công tác hậu kiểm như thế nào? Hiện nay, từng sở có nắm được số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cản được cấp phép nhưng chưa được câp phép ATTP, sở đã khảo sát chưa? … Những giải pháp như thế nào để người tiêu dùng nhận biết thực phẩm nào an toàn và thực phàm nào không an toàn?
 
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức thừa nhận, vấn đề quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay vẫn còn chồng chéo vì có sự tham gia của 3 đơn vị là Y tế, Nông nghiệp và Công thương. Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
 
Đối với vấn đề đại biểu hỏi, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức nói: Đối với công tác tuyên truyền, chúng tôi chú trọng đến tuyên truyền cho 2 đối tượng là người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh buôn bán thực phẩm. Biện pháp tuyên truyền theo hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. Vấn đề cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo đúng quy trình. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai sót tại các cơ sở mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận, thời gian tới sẽ khắc phục nghiêm túc.
 
Đại biểu Lê Hồng Vinh, đơn vị huyện Sơn Tịnh đặt câu hỏi đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tại sao giữa giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh và báo cáo các sở, ngành có sự vênh nhau lớn về số cơ sở vi phạm. Vì sao tỷ lệ vi phạm qua thanh tra, kiểm tra thường khá ít? Nguyên nhân và giải pháp trong thời gian đến?
 
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức cho biết, Sở sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành những đợt kiểm tra đột xuất, phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện nghiêm túc.
 
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại phiên thảo luận
 
Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu nêu, Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.600 cơ sở sản xuất, thuộc thẩm quyền quản lý của Sở là 125 cơ sở. Sở đã kiểm tra và cấp phép khoảng 75 cơ sở, số còn lại được phân cấp cho địa phương quản lý. Trong quá trình kiểm tra, thẩm định cấp phép, có khoảng 75% cơ sở là đạt, đối với các cơ sở không đạt, Sở kiên quyết không cấp phép. 
 
Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền cho rằng: Ngoài trách nhiệm của Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp, có một nội dung rất quan trọng là trách nhiệm của các địa phương mà cụ thể là thành phố, các huyện, các xã. Chúng tôi cũng chỉ đạo phòng chức năng của Sở phối hợp chặt chẽ với Sở liên qua, rồi Mặt trận tổ quốc cũng đã vào cuộc vấn đề này.
 
Sở Công thương đề xuất trong thời gian tới tất cả cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện về an toàn trong sản xuất sẽ xin phép công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng phát biểu tại phiên họp
 
Chất vấn Giám đốc Sở NN và PTNT liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Trần Thị Kiều Hoanh, đơn vị huyện Mộ Đức đặt câu hỏi về việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 thực hiện như thế nào, tại sao đến thời điểm này vẫn còn tình trạng chồng lấn đất rừng phòng hộ lên đất rừng sản xuất, gây tranh chấp trong người dân và các đơn vị quản lý?
 
Trả lời vấn đề này, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, diện tích giao rừng gắn với giao đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư nằm ngoài phần quản lý của các BQL rừng phòng hộ, nên về cơ bản không còn vướng mắc gì.
 
Việc giao rừng gắn với giao và cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện miền núi còn vướng mắc, nhất là đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nhưng có nguồn gốc đất là nương rẫy, đất trống BQL rừng chưa quản lý; việc giao và cấp GCNQSD đất chồng lấn đất rừng,… trách nhiệm này trước hết thuộc về các chủ rừng chưa quản lý chặt chẽ hết được diện tích đất được giao, chưa làm rõ được ranh giới, mốc giới ở một số vị trí; chưa kịp thời điều chỉnh, cắt giảm các hợp đồng giao khoán cho người dân không phải là người địa phương để giao khoán cho người dân địa phương.
 
Sau đó là trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các ban, ngành có liên quan trên địa bàn huyện trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với cá nhân có hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật nên chưa có tính răn đe và giáo dục cao.
 
Các đại biểu HĐND tham gia phát biểu ý kiến
Các đại biểu HĐND tham gia phát biểu ý kiến.
 
Đại biểu Hồ Ngọc Thịnh đặt câu hỏi, việc rà soát, kiểm kê đất rừng chưa giao cho tổ chức, cá nhân tại các huyện miền núi, đất và rừng đã thu hồi từ các nông lâm trường được thực hiện như thế nào trong thời gian qua? Tại sao vẫn còn chồng chéo và chưa kịp thời. Kết quả triển khai đến thời điểm này.  Việc chậm trễ trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp tháo gỡ như thế nào trong thời gian đến để giao đất từ các nông lâm trường đã thu hồi cấp cho dân sản xuất. 
 
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Ngọc Thịnh, ông Dương Văn Tô cho rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về các BQL rừng phòng hộ trong việc không quản lý hết được diện tích đất phòng hộ được giao quản lý, để người dân lấn chiếm, canh tác; Chưa phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ cơ chế chính sách, quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ để người dân hợp tác, tham gia.
 
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý bảo vệ rừng, đại biểu Đinh Quang Ven, đơn vị huyện Sơn Tây chất vấn, hiện nay người dân chưa sống được từ rừng do đó việc thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng chưa tốt. Với trách nhiệm là sở chủ quản thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có giải pháp để người dân thật sự sống từ rừng, có được thu nhập từ rừng thì mới tham gia tích cực bảo vệ rừng.
 
Ông Dương Văn Tô cũng đề xuất các biện pháp giải quyết, cụ thể đó là trong quá trình thực hiện dự án rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất và quy hoạch lại 03 loại rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ ưu tiên chuyển đổi diện tích đất phòng hộ hiện người dân đang canh tác tiếp giáp với đất quy hoạch sản xuất và ngoài 3 loại rừng để giao lại đất cho UBND huyện lập phương án giao đất cho người dân.
 
Tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ rừng, gắn với xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục chỉ đạo các BQL rừng phòng hộ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ cơ chế chính sách, quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ để người dân hợp tác, tham gia...
 
Liên quan đến việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, một số đại biểu cho rằng, việc triển khai trong thời gian qua chưa đáp ứng mong muốn của người dân. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc dồn điền đổi thửa nhưng sản xuất ở các địa phương vẫn còn manh mún. Chưa có sự liên kết sản xuất giữa các đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân, đảm bảo ổn định đầu ra và tạo thu nhập cao hơn cho người dân trên một đơn vị diện tích. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành nông  nghiệp chưa định hướng người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
 
Đại biểu Hà Thị Anh Thư, đơn vị huyện Bình Sơn đặt câu hỏi, trong thời gian qua, doanh nghiệp ký kết với nông dân sản xuất bí đỏ Nhật nhưng không mua, gây điêu đứng cho người nông dân. Sau đó, dưa hấu, bí xanh, ớt cũng rơi vào tình trạng không có người thu mua. Việc giải cứu chỉ là sự hỗ trợ tạm thời cho người nông dân trong lúc cấp bách. Trong thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Sở NN&PTNT sẽ có định hướng tìm đầu ra cho nông sản như thế nào để người dân không đơn độc. Ngành sẽ có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết...
 
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Hà Thị Anh Thư, ông Dương Văn Tô cho biết, hiện nay, chỉ có một số nông sản thực hiện liên kết trong sản xuất ở mức độ khác nhau, còn lại phần lớn diện tích đất nông nghiệp, tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích là một trong những trở lực rất lớn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Ngành NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu mới. Hội thảo đã rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, chưa được, những tồn tại, nguyên nhân trong công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện Đề án.
 
Trên cơ sở đó, đề xuất những nội dung, giải pháp cần phải điều chỉnh, bổ sung trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2018-2020. Sau Hội thảo, Sở đang hoàn chỉnh lại Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
 
Ngày mai (9.12) kỳ họp thứ 8, JĐND khóa XII sẽ tiến hành phiên bế mạc và thông qua các Nghị quyết trình tại kỳ họp.
 
Báo Quảng Ngãi điện tử sẽ tiếp tục cập nhật nội dung kỳ họp trong các bản tin sau.
 
M.Toàn- N.Đức
 
 

.