Bất an với thuốc an thần

02:11, 01/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thuốc an thần chỉ dành cho người bị mắc chứng bệnh rối loạn một “hệ điều hành” nào đó trong cơ thể, dẫn đến tinh thần bấn loạn. Chữ “an” dùng để đặt tên cho loại thuốc này đã nói lên nhiều điều, mà ai mắc bệnh cũng không cảm thấy lo ngại khi phải sử dụng nó. Ấy vậy mà cả người bệnh lẫn người khỏe mạnh của nước ta hiện nay lại luôn “bất an” khi nghe đến loại thuốc an thần. Đó là khi nhiều lò mổ đã lạm dụng loại thuốc dành cho người bệnh này, để tiêm cho heo trước khi giết thịt chúng.

Cách đây không lâu, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng ngàn con heo tại một cơ sở giết mổ ở huyện Củ Chi, TP.HCM đang “phê” thuốc an thần trước khi giết mổ. Cơ quan kiểm dịch đã buộc phải tiêu hủy toàn bộ số heo trị giá trên 10 tỷ đồng này, đồng thời phạt cơ sở giết mổ vì đã tiêm thuốc an thần cho số heo nói trên. Những tưởng hành vi thất đức này đã được chấm dứt thì mới đây, Chi cục Thú y TP.HCM tiếp tục công bố hàng chục con heo của một chủ lò mổ ở quận Bình Tân đã dương tính với thuốc an thần. Vậy là, phạt thì cứ việc phạt, còn tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết thịt thì vẫn cứ tiêm!

Nhiều bà nội trợ mỗi khi ra chợ, chỉ nhìn vào “màu” của miếng thịt để mua, tức mua theo kinh nghiệm, theo “quen mắt” là chính, chứ đâu biết thịt nào là heo bị tiêm thuốc an thần, còn thịt nào thì không tiêm thuốc! Mua thực phẩm về dùng mà không khác gì đi đánh bạc, vì chỉ dựa vào “hên-xui”, chứ không phải dựa trên bất cứ một bằng chứng nào để có thể “yên tâm”. Hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần như vậy mỗi ngày, thể nào cũng có hàng chục vạn người “dính” thuốc, vì thịt heo là loại thực phẩm mà rất nhiều gia đình Việt Nam ưa dùng.

Có bà nội trợ hỏi: Vậy các cơ sở giết mổ kia tiêm thuốc an thần cho heo để làm gì vậy? Cơ quan chức năng đã trả lời rằng, tiêm thuốc an thần để miếng thịt được tươi hơn, bắt mắt hơn. Thì ra, chỉ vì một lý do bé như mắt muỗi như vậy, mà người ta có thể làm hại người tiêu dùng. Mà cái hại này chắc chắn sẽ để lại di họa không thể đo đếm hết.

Lực lượng chức năng từng phát hiện rất nhiều trại chăn nuôi heo hiện nay đã sử dụng thuốc tăng trọng trong thức ăn cho heo. Đây cũng là một cách gián tiếp “cấy” bệnh vào người tiêu dùng. Giờ đến lượt tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết thịt- cũng một dạng gieo mầm bệnh cho người tiêu dùng vậy.

Thuốc tăng trọng trong chăn nuôi heo, hay thuốc an thần trước khi giết thịt, đều gây nguy hiểm cho người nếu ăn phải loại thịt heo ấy. Vì vậy, hành vi này cần phải được nghiêm trị bằng hình thức phạt tù, chứ không thể chỉ dừng lại ở mức “phạt tiền rồi cho qua”.

Nếu tiếp tục xử lý với những kẻ vô đạo đức này bằng hình thức phạt như thế, người tiêu dùng vẫn cứ tiếp tục bất an.

TRẦN ĐĂNG
 


.