Thủ khoa nuôi lợn

02:10, 21/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy ngày qua, từ mạng xã hội cho đến báo chí chính thống đều bàn tán xôn xao câu chuyện về Bùi Thị Hà, một trong 100 thủ khoa được TP.Hà Nội vinh danh tại Văn Miếu năm 2016, nhưng phải về giúp mẹ bán hàng và chăn lợn suốt một năm qua tại quê nhà Hà Giang, vì không tìm được việc làm.


Trước hết, cần phải khẳng định rằng, nuôi lợn cũng là một nghề lương thiện như bao nghề khác, vì vậy không nên dè bỉu nghề này. Dư luận chỉ thắc mắc là tại sao trong khi ở rất nhiều tỉnh thành khác, chính quyền địa phương “trải thảm đỏ” mời các sinh viên tốt nghiệp “bằng đỏ” về tỉnh, thành của họ công tác với những ưu đãi hết sức đặc biệt, thì tỉnh Hà Giang lại “quay lưng” với tài năng của tỉnh mình?

Nếu chỉ nhìn ở chiều “thuận”, tức là thủ khoa thì dĩ nhiên là giỏi, là xuất sắc, là thứ gì thuộc về chuyên môn của mình cũng đều làm được… thì việc trách cứ trên đây là dễ thông cảm. Tuy nhiên, đi sâu vào câu chuyện “thủ khoa” hiện nay, sẽ thấy nhiều vấn đề cần phải phân tích cặn kẽ thì mới cắt nghĩa được vì sao, tốt nghiệp loại giỏi, nhưng vẫn không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn của mình.

Trả lời báo chí mới đây, Bùi Thị Hà đã tiết lộ là cô từng dự thi để trở thành giảng viên đại học, nhưng bị trượt, nên phải về quê. Đầu năm nay, trường chuyên tỉnh Hà Giang cũng đã “mời” Hà dự thi để trở thành giáo viên của trường này, nhưng phút chót, cô bỏ cuộc vì... “sợ mình chưa xứng đáng vào dạy ngôi trường đó, rằng cần rèn luyện thêm một thời gian nữa”, như chính cô đã thổ lộ.

Dẫn ra hai ý trên để thấy rằng, cơ hội cũng đã từng đến với cô sinh viên đỗ thủ khoa này, nhưng cánh cửa “biên chế” vẫn chưa một lần mở ra với Hà. Lỗi này do chính Bùi Thị Hà, chứ không phải do các nơi mà cô ứng thí. Vậy thì trách ai bây giờ? Có lẽ, trước hết là trách chính mình, vì điểm tốt nghiệp dù có tuyệt đối đi chăng nữa, thì nó hoàn toàn không phải là tấm giấy thông hành để sinh viên đó bước vào đời một cách thuận lợi.

Thứ hai, cũng cần phải xem lại cách đào tạo của các trường đại học bây giờ. Học thì phải có điểm là điều không phải bàn, nước nào cũng thế cả. Nhưng bên cạnh điểm số để đánh giá năng lực của mỗi sinh viên, còn phải tính đến “kỹ năng mềm” nữa. Ông bà ta chả nói “học đi đôi với hành” đó sao! Sinh viên bây giờ chỉ nặng phần học mà quên phần “hành”, tức kỹ năng sống. Nhiều trường đại học đã biến sinh viên thành những cái máy học vẹt, hơn là đào tạo ra một con người có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cũng vì thiếu đi “kỹ năng mềm” này, mà Hà đã cảm thấy “ngợp” khi trường chuyên Hà Giang đã gọi cô đến để “thi đầu vào”. Nó cũng cắt nghĩa vì sao cô từng ứng thí làm cán bộ giảng dạy tại Hà Nội mà bị trượt.

Điểm số chỉ là một phần của câu chuyện... xin việc. Chúng ta không lạ gì khi rất nhiều sinh viên xuất sắc vẫn bị trượt khi thi vô một số công ty, nhất là những công ty có yếu tố nước ngoài.

Câu chuyện của Bùi Thị Hà cũng là “bài học” cho các tỉnh vẫn thường kêu gọi bằng việc trải thảm đỏ mời sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ở các trường.

TRẦN ĐĂNG
 


.