Nhận diện thông tin

08:10, 02/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, sự phát triển ngày càng đa dạng, phong phú của các thiết bị, phương tiện công nghệ điện tử, nhất là các trang mạng xã hội... giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận với các thông tin trong và ngoài nước một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, trong một xã hội có sự đa dạng thông tin, thì việc nhận diện đâu là thông tin chính thống và không chính thống không phải ai cũng nhận diện được.

Lợi dụng thực tế đó, các thế lực thù địch đã cấu kết với các phần tử cơ hội trong và ngoài nước để viết bài, sản xuất các video, cắt ghép hình ảnh không trung thực... hòng nói xấu Đảng, Nhà nước ta; hạ thấp uy tín một số đồng chí lãnh đạo; thổi phồng một số thông tin, sự việc diễn ra ở cơ sở... Những nội dung đó được cập nhật, đăng tải trên blog, rồi sau đó chia sẻ trên các mạng xã hội Facebook và Youtube ngày càng nhiều. Không dừng lại ở đó, các đối tượng xấu còn lập ra rất nhiều tài khoản Facebook, website giả mạo một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, để cập nhật cắt ghép nhiều thông tin có dụng ý xấu hòng thực hiện mưu đồ chính trị đen tối. Những thông tin thâm độc của các thể lực thù địch thường rộ lên trước mỗi sự kiện lịch sử, chính trị, kinh tế... của đất nước, của địa phương; hoặc sau mỗi vụ việc cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, kết án...

Chiêu bài trên đã và đang được các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội khai thác một cách triệt để, thực hiện mọi lúc, mọi nơi... Tại Việt Nam, có khoảng 35 triệu lượt người tham gia 2 trang mạng xã hội Facebook và Youtube. Vì thế, những thông tin có nội dung xuyên tạc, bịa đặt... luôn gây sự tò mò và thu hút rất đông người xem.

Với những người đủ khả năng nhận diện đâu là thông tin chính thống và không chính thống thì sẽ không dễ dàng sập bẫy trước những thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc đó; nhưng cũng có không ít người bị phân tâm, dao động với những thông tin trên. Nguy hiểm hơn, có những CB, CCVC sử dụng mạng xã hội như một phong trào, vô tư bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề xảy ra ngoài xã hội hoặc trong cơ quan, đơn vị, dẫn đến gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến uy tín đơn vị.

Vì thế, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, CCVC, các tầng lớp nhân dân và định hướng dư luận cần phải được tăng cường; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chính thống, nhất là những vấn đề tiêu cực, liên quan đến công tác cán bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Trong khi chờ có hành lang pháp lý quy định về sử dụng mạng xã hội, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng cần có quy định rõ trách nhiệm của CB, CCVC, nhất là đảng viên trong việc sử dụng, chia sẻ, cập nhật thông tin lên các mạng xã hội.


PHÚ ĐỨC
 


.