Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 TƯ làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi

10:08, 24/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 24.8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 TƯ do đồng chí Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. 

TIN LIÊN QUAN

Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Lê Viết Chữ; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo UB MTTQ VN tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. 
 
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang đã báo cáo với Đoàn công tác về tình hình triển khai, thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư TƯ trên địa bàn tỉnh. 
 
 
Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc
Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 128/183 cơ sở Hội có nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do huyện, thành Hội quản lý. Từ 2011 đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là 27,8 tỷ đồng. Từ 2011 đến nay, nguồn vốn Quỹ các cấp đã hỗ trợ gần 2.000 lượt hộ vay; mỗi dự án cho vay mức thấp nhất là 300 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay là 28 triệu đồng; hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
 
Trong đó, dự án đầu tư cho chăn nuôi chiếm 90,3%, trồng trọt chiếm 8% và thủy sản chiếm 1,7%. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2012- 2016, toàn tỉnh có 1.414 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình bình quân đạt 11,4/xã, số xã dưới 5 tiêu chí là 25 xã.
 
Việc triển khai thực hiện Đề án 61 đã góp phần phát triển nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nông dân từng bước nâng cao nhận thức, kiến thức, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. 
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị TƯ Hội Nông dân Việt Nam quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư nâng cấp Trung tâm dạy nghề và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ; đề nghị Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân TƯ điều chỉnh mức phí tiền vay quỹ hỗ trợ nông dân, cao nhất không quá 80% lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại đối với tổ chức, các nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố từng thời kỳ;…
 
Liên quan đến vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, khẳng định,  tỉnh Quảng Ngãi đang xác định mục tiêu là cơ cấu lại nền nông nghiệp và xem đây là nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Khác với các địa phương khác, Quảng Ngãi xây dựng các qui hoạch mở, chỉ định hướng phát triển vùng và để cho chính người dân quyết định sản xuất. Chính quyền chỉ giúp đỡ người dân làm sao mang lại chất lượng và giá trị cao hơn. Chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún hộ gia đình sang sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, khuyến khích hình thức doanh nghiệp thuê đất dài hạn và người dân làm trên chính mảnh đất của mình.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai ghi nhận những thành quả mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai lưu ý tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến Đề án 61, nhất là trong công tác dạy nghề cho nông dân, phải tìm được ngành nghề phù hợp cho nông dân.
 
Dạy nghề cho nông dân phải đúng đối tượng, hiệu quả và có thị trường đối với sản phẩm đầu ra. Tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất thông qua các mô hình phù hợp, mô hình phải thiết thực và phải thay đổi được cuộc sống của người dân và khiến cho nhiều người khác phải học tập làm theo.
 
Trưởng Ban Dân vận TƯ cho rằng, khi người dân liên kết với doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp đó. Do vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định, lựa chọn để quyết định đưa doanh nghiệp nào vào để giúp nông dân.      
 
Đồng thời, Quảng Ngãi cần tiếp tục quan tâm việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao giá trị sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu phải đi liền với giá trị, chuyển dịch phải đem lại hiệu quả cao. Tỉnh cũng cần tập trung giảm nghèo bền vững gắn với việc xây dựng nông thôn mới; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhất là ở 6 huyện miền núi. 
 
Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai gợi mở, hiện nay người nông dân tham gia vào thị trường có rất nhiều rủi ro. Để giải quyết rủi ro cho người nông dân chỉ dựa vào các chính sách an sinh xã hội. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần hết sức chú ý và tính toán hợp lý để xây dựng cơ chế giải quyết rủi ro cho nông dân như: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…
 
Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm, thông tin, hỗ trợ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay để người dân phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động của chính người nông dân.
 
 
N.Đức

.