Tập nói "không" với túi ni lông

02:07, 23/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây chính quyền địa phương huyện Lý Sơn đã ban hành chỉ thị giảm thiểu sử dụng túi ni lông trên đảo, đồng thời nghiên cứu các biện pháp xử lý cả về kinh tế lẫn hành chính đối với việc sử dụng túi ni lông, dần biến Lý Sơn thành hòn đảo xanh-sạch-đẹp như kỳ vọng của nhiều người. Công việc mang nhiều ý nghĩa này sẽ được bắt đầu từ đảo Bé.

Sở dĩ chọn đảo Bé để triển khai ý tưởng không sử dụng túi ni lông trên đảo Lý Sơn là vì, đây là hòn đảo biệt lập với đảo Lớn, dân cư chỉ chừng trên trăm ngôi nhà, chủ yếu là khách du lịch đến đây, nên việc kiểm soát sử dụng túi ni lông sẽ thuận lợi hơn. Nếu làm được ở đảo Bé và người dân thấy được hiệu quả từ thực tế thì sẽ triển khai trên toàn đảo Lý Sơn trong tương lai.

Có lẽ những người sáng chế ra túi ni lông, một vật dụng rất tiện lợi này không nghĩ rằng hậu quả của nó lại ghê gớm đến vậy. Người ta tính, khoảng 60 năm sau thì chiếc túi ni lông mới “tan” hoàn toàn vào đất! Chính vì sự “sống dai” ấy, nên nó là thủ phạm làm “sa mạc hóa” tầng đáy biển vùng ven bờ, vì nó giết chết các loài san hô - mái nhà của các loài sinh vật biển.

Du khách đặt chân đến đảo Bé ngày một đông hơn, nên nhiều gia đình đã bỏ hẳn nghề khai thác hải sản ven bờ, chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Chung quanh đảo Bé không chỉ là những dải đá ngầm với đủ các loại hình thù kỳ thú - kết quả của các đợt phun trào nham thạch từ núi lửa, mà đây còn là nơi các loài san hô sinh sôi và trú ngụ. Hiện tại, việc kinh doanh dịch vụ du lịch ở đảo Bé còn nặng tính tự phát, nhưng rồi đây, một khi đảo Bé thành địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vẻ đẹp đất nước của khách du lịch, thì việc sắm tàu chuyên dụng cho khách ngắm đáy biển là điều chắc chắn. Vì vậy, việc “cấm cửa” cả người dân lẫn du khách sử dụng túi ni lông trên đảo Bé là điều nên làm sớm.

Chỉ thị giảm thiểu sử dụng túi ni lông trên đảo Lý Sơn của chính quyền sở tại là một thiện ý. Tuy nhiên, triển khai câu chuyện “nói không với túi ni lông” là việc không hề đơn giản. Để ý tưởng đó thẩm thấu trong dân và du khách, một mặt phải tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu được tác hại của túi ni lông, mặt khác chính quyền nên có sự hỗ trợ ban đầu các vật dụng thay thế. Cấp không hoặc bán giá rẻ các loại giỏ xách bằng nhựa cho các bà nội trợ, khuyến khích người dân dùng các loại lá gói hàng thay cho túi ni lông như ông bà xưa đã làm.

Đối với du khách, nên kiểm tra và ngăn chặn sử dụng túi ni lông ngay từ lúc họ đặt chân lên tàu, dĩ nhiên là cần có sự tuyên truyền giải thích trước đó. Nói “không” với túi ni lông ở Lý Sơn không hề đơn giản, vậy nên cần phải “tập”. Hy vọng chủ trương tốt đẹp này sẽ được mọi người đồng lòng hưởng ứng.

TRẦN ĐĂNG
 


.