Môi trường và thu phí

10:06, 15/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vài năm trở lại đây, đảo Lý Sơn đã thành điểm đến của nhiều du khách trong nước. Số liệu thống kê từ ngành chức năng Quảng Ngãi cho biết, trong năm 2016, huyện Lý Sơn đã đón trên 160 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 6.000 người. Cứ mỗi năm, lượng khách đặt chân đến hòn đảo này tăng thêm trên 5 vạn, gấp 2,5 lần dân số đảo Lý Sơn!
 
 
Đón một lượng khách khổng lồ như vậy, dĩ nhiên nguồn thu từ các dịch vụ vận chuyển và ăn uống, ngủ nghỉ cũng tăng theo. Nguồn thu cho ngân sách có lẽ sẽ không nhiều từ lượng khách này, song nguồn thu của người dân từ các dịch vụ hẳn là rất đáng kể. Sự sôi động của hòn đảo những năm qua đã giúp cho Lý Sơn khoác một lớp áo mới, khác hẳn với sự đìu hiu vắng vẻ như những năm trước đây.
 
Cây tỏi, cây hành và nghề đánh bắt thủy sản của hòn đảo này dần dần sẽ nhường sân cho ngành kinh doanh các dịch vụ du lịch. Có thể nói, du khách đã góp phần rất lớn cho sự thay đổi từ cơ sở hạ tầng đến con người ở hòn đảo này. Tuy nhiên, những hệ lụy mà nó mang lại cho Lý Sơn cũng không hề nhỏ. Một trong những điều dễ trông thấy nhất là môi trường.
 
Lý Sơn có hẳn một nhà máy xử lý rác thải cùng đội quân thu gom rác. Tuy nhiên, với lượng du khách đặt chân lên đảo Lý Sơn như thế, thì lượng rác mà họ mang đến cho đảo cũng không hề nhỏ chút nào. Có dịp đi dọc các bãi biển, nhất là các thắng cảnh sẽ thấy số rác hiện diện ở những nơi đó như thế nào sau khi du khách rút đi.
 
Do đặc thù của Lý Sơn là các điểm tham quan ở đây đều dàn trải trên khắp đảo, vì vậy, rác cũng được rải đều khắp mọi nơi. Công nhân vệ sinh thì cũng chỉ thu gom rác ở các điểm tập kết, chứ không thể nào quán xuyến ở tất cả các điểm tham quan được. Mà du khách ra Lý Sơn cũng đủ thành phần, không phải ai cũng ý thức trong việc xả rác. Bạ đâu vất rác đấy, đó là điều dễ trông thấy nhất. Nào túi ni lông, nào hộp đựng thức ăn, nào vỏ bao thuốc lá… ngập tràn các điểm tham quan.
 
Ngân sách huyện vốn không đủ để chi thường xuyên, phải xin tỉnh quanh năm, nên cũng không thể có thêm biên chế để dọn rác ở những khu vực này. Rác cứ thế mà đùn lên. Đấy là lí do để khu du lịch Hang Câu “bán vé tham quan” với giá 20.000đ/người. Theo giải thích của một số vị lãnh đạo Lý Sơn, tiền bán vé ấy không phải là “kinh doanh” mà là để doanh nghiệp thuê lại số người dọn rác. Ở hòn đảo xa xôi mà giá vé 20.000đ thì đúng là có đắt thật, song nếu không có một khoản thu như vậy thì với kiểu xả rác của du khách như hiện nay, chả mấy chốc Hang Câu và các điểm khác sẽ thành … hang rác!
 
Câu chuyện bán vé 20.000đ/ lượt tại Hang Câu lập tức bị phản đối rần rần. Huyện Lý Sơn cũng nói đây là do doanh nghiệp tự ý chứ huyện chưa có chủ trương. Tuy nhiên, giải pháp “dọn rác” tại các điểm tham quan thì chưa thấy ai nêu ra cả.
 
Người dân đã quen với kiểu miễn phí lâu nay, nên giờ đụng đến túi tiền là ai cũng phản đối. Nhưng làm cách nào để Lý Sơn là hòn đảo trong lành không có rác thì ai cũng nghĩ, đó là việc của … người khác, chứ không phải của mình! Buồn thay.
 
 
 
TRẦN ĐĂNG
 
 
 

.