Thêm một bài học về... quy hoạch

02:05, 03/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá heo hơi hiện nay chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với đầu năm 2016, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Để giải cứu 3 triệu con heo, Bộ NN&PTNT tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; đồng thời đề nghị các đơn vị chế biến tăng cường giết mổ thịt heo trữ đông.

Mặc dù vậy, động thái này cũng chưa kìm được sự lao dốc của giá heo hơi. Trong khi giá heo hơi giảm 50% thì giá thịt heo chỉ giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nghịch lý này được các tiểu thương lý giải là do“chi phí vận chuyển và giết mổ” cao. Còn các ngành chức năng thì “đổ lỗi” cho nông dân bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công thương, tăng đàn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khiến nguồn cung dư thừa. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn, còn cái gốc của vấn đề chính là công tác quy hoạch đang bị bỏ ngỏ.
 

Hầu hết các địa phương đều quy hoạch đất trồng trọt, còn chăn nuôi thì “quên”. Đến khi có tổ chức, cá nhân đầu tư trang trại chăn nuôi, chính quyền các cấp mới... điều chỉnh quy hoạch! Quy hoạch bị động không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, mà tác động tiêu cực đến thị trường.

Thống kê của Cục Chăn nuôi, hình thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ hiện chiếm 65-70% về đầu con. Vì số lượng không ổn định, chất lượng kém đồng nhất nên người chăn nuôi không kết nối được với các doanh nghiệp lớn trong vấn đề tiêu thụ, mà phụ thuộc vào thương lái, khiến giá bán bấp bênh.

Để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thực hiện chính sách mà WTO cho phép các quốc gia áp dụng, nhằm hỗ trợ và bảo hộ nền nông nghiệp của mình. Đó là áp dụng thuế nhập khẩu thịt gà 40%, thịt heo 25% và trứng gia cầm 80%. Nghĩa là người tiêu dùng muốn sử dụng thịt, trứng nhập ngoại, phải chịu thuế cao, chứ không phải dùng hàng ngoại giá rẻ như hiện nay.

Ngoài ra, thay vì cứ mãi “giải cứu”, đã đến lúc người chăn nuôi cần mạnh dạn đổi mới tư duy và phương thức sản xuất theo hướng tập trung, nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Nhưng trước hết, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch và kiểm soát thị trường xuất khẩu; đồng thời quy định hạn ngạch chăn nuôi. Đừng để đến lúc “vỡ trận” mới lo quy hoạch, rồi đổ lỗi cho người chăn nuôi không tuân thủ khuyến cáo.


MỸ HOA
 


.