Sáng tạo trong học tập

08:05, 04/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam đều vui mừng khi Bộ GD&ĐT công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2018-2019. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Theo dự thảo, lần đầu tiên chủ thể của nền giáo dục được xác nhận: Đó là học sinh. Làm sao để sau khi qua chương trình giáo dục phổ thông, học sinh không chỉ trang bị được kiến thức chung chung, mà phải là những kiến thức cần thiết để học lên cao hơn, hoặc để làm hành trang vào đời.

“Học làm người trước khi học kiến thức”, đó cũng là mục đích chương trình đổi mới giáo dục hướng đến. Với 6 phẩm chất chủ yếu trong dự thảo (đó là yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm), nếu học sinh tự trang bị được cho mình qua quá trình học tập, thì tôi nghĩ, mục đích giáo dục đã thành công về cơ bản. Vì nếu thiếu 6 phẩm chất ấy, thì dù đọc thiên kinh vạn quyển, cũng khó thành người mà đất nước Việt Nam mãi mãi cần.

Dĩ nhiên, từ những định hướng ấy, chương trình giáo dục đổi mới phải có những gì thật sự mới mẻ trong nội dung giảng dạy và học tập, trong việc kết hợp học với hành, trong mục tiêu làm học sinh hứng khởi khi học tập, chứ không phải biến học sinh thành một thực thể thụ động để chương trình và giáo viên “nhồi nhét” kiến thức.

Tôi nghĩ, việc học tập là việc của cả cuộc đời, vì thế nên giới hạn ở giáo dục phổ thông những kiến thức và những mục tiêu thiết cốt, rất “phổ thông”, và đặc biệt, phải dành những khoảng trống để học sinh tư duy, tưởng tượng. Và hạnh phúc biết bao, nếu học sinh lại có những sáng tạo từ những gợi ý kiến thức trong chương trình học, trên lớp học.

Trong thực tế, đã có những em học sinh mới học phổ thông cơ sở (cấp 2) đã có những sáng tạo khiến người lớn, thậm chí những nhà chuyên môn, phải kinh ngạc. Điều đó nói lên rằng, tư duy sáng tạo, tưởng tượng sáng tạo có thể xuất hiện từ rất sớm ở những học sinh lớp dưới. Chỉ cần chúng ta biết khơi lên, biết khuyến khích, biết ủng hộ những tư duy sáng tạo từ rất sớm ấy. Đừng bao giờ biến những kiến thức ở cấp học phổ thông thành “chiếc áo rộng” đối với học sinh. Vì khi đã là “áo rộng”, thì nó không có ích gì với người mặc, đã thiếu thẩm mỹ lại không hữu dụng.

Cái mà người ta, nhất là học sinh, cảm thấy chán ngán với chương trình cũ, sách giáo khoa cũ, là ở đó có rất nhiều kiến thức không hữu dụng, thiếu thực tế. Những kiến thức theo kiểu từ chương khô cứng ấy đè nặng lên tư duy học sinh, khiến học sinh không còn cảm thấy học là một niềm vui, niềm hứng khởi nữa. Trong khi, thực ra, tìm hiểu và tích hợp kiến thức mới luôn là niềm vui bất tận của con người.

Bởi vậy, muốn có học sinh sáng tạo phải có chương trình học sáng tạo, phải có giáo viên nhiệt huyết với việc truyền thụ kiến thức, và cuối cùng, sẽ có học sinh hứng khởi khi học tập. Bởi chỉ có hứng khởi khi học tập thì mới có sáng tạo từ học tập. Và cũng xin nói, nếu trong chương trình học không có... chơi, thì chắc chắn sẽ không có sáng tạo. Bởi sáng tạo là hoạt động đam mê, vui vẻ, thoải mái, rất gần với trò chơi, cũng như không chịu áp lực từ bất cứ đâu.  

THANH THẢO
 


.