Những clip bẩn

02:04, 16/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mạng xã hội đang lan truyền hàng loạt clip ghi lại cảnh “treo cổ trâu” cho đến chết nhân dịp khai trương một lễ hội nào đó ở tỉnh Yên Bái; cảnh chém lợn đứt đôi, máu me tung tóe nhân khai trương một lễ hội khác tại làng Ném Thượng tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt là trên mạng đang xuất hiện rất nhiều clip quay lại cảnh hai- ba học sinh nữ cùng đánh đập, giật tóc, xỉ vả, mắng nhiếc một học sinh nữ khác. Rất nhiều người, đa số là học sinh và cả người lớn nữa, hoặc vỗ tay cổ súy cho màn đánh đập đó, hoặc đứng nhìn cảnh tượng kinh hãi đang diễn ra trước mắt bằng một thái độ bàng quan, dửng dưng đến lạnh lùng.

Có thể gọi đó là những clip bẩn. Gọi “bẩn” vì nó đang cổ súy cho những việc làm không đúng với tinh thần nhân văn mà cả xã hội đang hướng tới, thậm chí việc đánh nhau và làm nhục người khác như vậy là vi phạm pháp luật, chứ không chỉ là vi phạm đạo đức.

Môi trường sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Nhìn chung quanh mình, thấy ai cũng sống tử tế, cũng biết yêu thương, nhường nhịn, san sẻ, giúp đỡ nhau, sống có trách nhiệm với bản thân mình và với người khác... lớn lên, chắc chắn đứa trẻ sẽ không thể sống vô trách nhiệm, không thể sống hời hợt với cuộc đời, hoặc hành xử tàn ác với người khác được.

Ngược lại, mỗi ngày cái ác cứ đập vào mắt, những hình ảnh phản cảm cứ hằn lên trong đầu đứa trẻ, những vết xước tội lỗi cứ chà xát vào tâm hồn non dại trẻ thơ, khi lớn lên, đứa bé ấy rất dễ trở thành những kẻ vô lương. Những clip bẩn thi thoảng lại xuất hiện trên mạng xã hội như những thông điệp không lương thiện đang gửi đến mọi người. Để miễn nhiễm những hình ảnh phản cảm như vậy quả là điều cực khó, nhất là đối với các em ở lứa tuổi vị thành niên.

 Liệu các em có tin vào câu ca dao rất đỗi thân thương này từ bao đời nay: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công…” một khi chúng nhìn cảnh con trâu bị đám người hung tợn đang  kéo dây ròng rọc lên ngọn cây cho đến chết không? Cũng rất khó để nói với các em về tình bạn, về sự giúp đỡ nhau trong học tập khi liên tiếp ai đó đã tung lên mạng những hình ảnh giật tóc, túm áo đánh nhau rất tàn bạo giữa các nữ sinh 13-14  tuổi trước sự  reo hò vô tư của đám học sinh và mọi người chung quanh? Một clip ghi lại cảnh cõng bạn tật nguyền đi học mỗi ngày rất dễ bị “bỏ qua” hơn là một clip ghi lại cảnh đánh nhau, với hàng ngàn lượt “like” chỉ trong chốc lát!

Mạng xã hội đã mở ra một cơ hội để mọi người chia sẻ và kết nối yêu thương nhưng tiếc thay, nó đang bị lạm dụng bằng những clip bẩn như thế.                 


 TRẦN ĐĂNG
 


.