Di dời nhà máy hay di dời dân?

04:03, 12/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa có buổi đối thoại với các hộ dân hai thôn Tân Hy và Sơn Trà, xã Bình Đông (Bình Sơn) liên quan đến việc Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất gây ô nhiễm. Đây là câu chuyện từ giữa năm 2012 kéo tới giờ, gây bức xúc trong nhiều năm cho nhân dân ở hai thôn này.

TIN LIÊN QUAN

Và vấn đề đặt ra hiện nay là, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến Nhà máy xi măng Đại Việt thực hiện như thế nào?

Nếu để nhà máy ở lại, thì người dân lại có nguyện vọng phải được di dời đến nơi ở mới. Nhưng nếu di dời hết hơn 450 hộ dân ở 2 thôn, thì ngân sách tỉnh phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh lại eo hẹp. Vả lại, chuyện di dời một lúc 450 hộ dân đi ở chỗ khác không hề là việc dễ dàng, kể cả khi có ngân sách. Làm sao tính hết bao hệ lụy sẽ xảy ra khi thực hiện phương án này. Và không thể để một tiền lệ là khi có bất cứ nhà máy quy hoạch sai nào gây ô nhiễm, thì người ra đi là... dân, chứ không phải nhà máy ấy.

Như vậy, có thể thấy, phương án di dời dân vừa không hợp lý, vừa không có khả năng thực hiện. Vậy thì phương án còn lại: Di dời nhà máy. Dĩ nhiên, nếu phải di dời, thì nhà máy sẽ phải chịu thiệt hại, mức thiệt hại là bao nhiêu có thể tính được. Và ai sẽ phải chịu số tiền trả cho sự thiệt hại này? Cần phải giải quyết câu chuyện ngay ở điểm đó. Nhưng chuyện di dời nhà máy “sang chỗ khác” trong địa phận tỉnh liệu có khả thi? Bởi, di dời đi chỗ khác (trong địa bàn tỉnh) mà vẫn làm nhà máy theo kiểu cũ, không bảo đảm việc bảo vệ môi trường, thì chắc chắn không nơi nào chịu nhận.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề này là điều không hề dễ. Và qua câu chuyện này, chúng ta hãy hết sức cân nhắc trước khi quyết định thu hút các dự án đầu tư.

THANH THẢO
 


.