Kéo học sinh trở lại lớp

07:02, 16/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa xuân cũng là mùa những cây đót trổ hoa. Đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh Quảng Ngãi xem cây đót như “cây thần tài” của mỗi nhà, vì chính nó mang lại nguồn thu nhập, dù rất ít ỏi, hằng năm cho mình. Dọc đường lên huyện Tây Trà, Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà mùa này sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh hàng đống đót chất ven đường, đợi người đến thu mua.

TIN LIÊN QUAN

Vì là cây mọc hoang dại, lại có mặt ở hầu khắp các hang cùng suối vắng, thân mảnh, dễ dàng bứt, cắt nên không cần phải dùng sức quá nhiều, cũng không phải phân chia hay tranh giành lãnh địa, nên già trẻ bé lớn gì cũng có thể tham gia khai thác loài cây mọc hoang này, nên trẻ em tham gia khai thác đót rất nhiều. Đây lại là mùa giáp hạt đối với đồng bào vùng cao, nên để kiếm tiền bù đắp vào khoản thiếu hụt cuối mùa vụ, cha mẹ các em thường cho con vào rừng bứt đót kiếm tiền mua gạo. Vừa trải qua những ngày nghỉ Tết kéo dài, lại gặp mùa thu hoạch đót, chuyện bỏ học của các em học sinh như được “tiếp sức”.

Năm nào cũng vậy, cứ đến sau Tết âm lịch, sang học kỳ 2 là nhiều lớp học ở các xã vùng cao thưa vắng dần. Tình trạng này được lặp đi lặp lại trong nhiều chục năm qua, làm đau đầu ngành giáo dục và chính quyền địa phương, nhất là các huyện vùng cao. Kéo học sinh trở lại với trường lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục ở các huyện vùng cao luôn để tâm đến và phải thực hiện, xem đó như một tiêu chí thi đua của các trường. Dù là nhiệm vụ trọng tâm, song các trường vẫn cứ loay hoay với bài toán rất khó giải này. Thế rồi, các thầy, các cô vùng cao đã tự tìm lời giải cho mình, ngay trong những ngày sau Tết vừa rồi.

Báo cáo từ các phòng giáo dục ở vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tỷ lệ học sinh trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ Tết đã lên đến 98-100%. Để có được con số thật vui này, các thầy cô giáo và ban giám hiệu các trường đã có nhiều “mẹo” nhằm kéo học sinh trở lại với trường lớp. Như ở huyện Sơn Tây thì trước khi nghỉ Tết, một số trường thông báo cho các em là ngay ngày đầu tiên trở lại trường, thay vì học ngay thì nhà trường sẽ tổ chức “giải bóng đá mi ni”.

Thực ra đây chỉ là hình thức “kéo” các em trở lại với trường bằng một lý do “đánh” vào sự ham vui của các em mà thôi. Quả nhiên “liều thuốc ham vui” này phát huy tác dụng. Có em suốt những năm qua, cứ sau Tết là các thầy phải đến tận nhà để “vận động” em ấy ra lớp, nhưng năm nay, nghe có đá bóng đầu năm là em ấy tự giác trở lại trường ngay! Hoặc có những trường như ở huyện Trà Bồng, thay vì vào học ngay tiết đầu tiên, các cô giáo tổ chức ca hát vui chơi và phát kẹo bánh “vui xuân” cho các em tiểu học.

 Mỗi trường một cách làm, nhưng đều có chung một đáp số, đó là kéo học sinh ra lớp trở lại. Có thể nói đấy là một tín hiệu vui đối với “sự nghiệp trồng người” ở vùng cao vậy.

TRẦN ĐĂNG
 


.