Đầu tư, khai thác đường BOT: Quá nhiều bất cập

11:02, 26/02/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 6 năm triển khai, không thể phủ nhận đầu tư BOT giao thông đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển hạ tầng thông Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu, BOT lại xuất hiện những bất cập, gây bức xúc cho dư luận xã hội...
 
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT; đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015. Ngành GTVT cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án khác với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Tuy nhiên, do tính chất mới của hình thức đầu tư này nên đã nảy sinh không ít hạn chế, bất cập trong đầu tư, khai thác đường BOT. Đó cũng là một nhận định được nêu tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

 
Về nguyên nhân, theo Kiểm toán nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát lãng phí. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.
 
Nguyên nhân nữa là chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư chưa cao; việc nghiệm thu, giám sát, quản lý chất lượng thi công tại một số dự án còn chưa chặt chẽ; công tác quản lý chi phí đầu tư còn nhiều sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá; việc xác định tổng vốn đầu tư của các dự án còn chưa hợp lý. Chưa kể, việc thực hiện chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư khiến dư luận hoài nghi về tính cạnh tranh.
 
Đáng chú ý là bất cập trong vị trí của trạm thu phí. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định và khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km.
 
Tuy nhiên trên thực tế xảy ra hai tình trạng. Một là trạm thu phí cho dự án nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.
 
Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận của địa phương. Với quy định nếu không đảm bảo khoảng cách chỉ cần sự thoả thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm. Kiểm toán nhà nước cho rằng cần phải xem lại hướng dẫn nói trên để tránh gây bức xúc dư luận.
 
Về mức phí, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí tính theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, mỗi phương tiện khi qua trạm thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu phí là như nhau.
 
Điều này sẽ rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua trạm thu phí, tuy rằng đi với quãng đường rất ngắn nhưng lại phải trả phí rất cao.
 
Mặt khác, trong vận hành, khai thác chưa có kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.
 
Sau khi rà soát chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 11/27 dự án tính sai giá dự phòng, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng… làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý 465,5 tỷ đồng. Nhiều dự án phải giảm thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án ban đầu của các đơn vị lập.
 
Điển hình như dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng; dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn qua tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng…
 
Từ thực tế trên, dư luận đang đặt câu hỏi: Mới kiểm toán 27 dự án, có tới 80% dự án phải rút ngắn thời gian thu phí. Việc này tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không phát hiện ra thì thế nào? Mặc dù, không thể đếm chính xác lượt người qua lại nhưng hoàn toàn có thể đánh giá được khả năng thu hồi vốn cho dự án, mức thu như thế nào hay một ngày thu được bao nhiêu, thời gian bao lâu có thể thu hồi được vốn… chỉ cần dựa trên lưu lượng người và phương tiện qua trạm thu phí đó. Sự minh bạch là công cụ giúp cho người dân có thể giám sát tốt nhất.
 
Từ những bất cập nêu trên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý, phê duyệt, xây dựng định mức đơn giá, việc triển khai... Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong các cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải... để thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
 
H.Thịnh

.