Đại biểu QH Phạm Thị Thu Trang kiến nghị các giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng NTM

03:11, 05/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và tập trung các nguồn lực để thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới.

Qua 5 năm thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, để tiếp tục phát huy mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020, đại biểu Phạm Thị Thu Trang tập trung phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trong giai đoạn 2016-2020, đó là:

Khắc phục kịp thời những bất cập cập của bộ tiêu chí cũ, đẩy mạnh việc phân cấp và giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động quy định cụ thể một số tiêu chí để phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu của cộng đồng và đặc điểm văn hóa từng dân tộc ở từng vùng miền, địa phương.

Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 cần phân loại theo 3 cấp độ: xã nông thôn mới loại 3, loại 2, và loại 1 để tạo điều kiện cho tất cả các xã đều thực hiện xây dựng nông thôn mới theo lộ trình, phù hợp với điều kiện, điểm xuất phát của địa phương. Các tiêu chí cần linh hoạt, có độ mở để địa phương chủ động lựa chọn, phát huy điểm mạnh của mình. Có cơ chế khuyến khích đầu tư để các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới để một lần nữa đánh giá sự gắn kết với tái cơ cấu nông nghiệp để phát huy hiệu quả cộng hưởng; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn. Trong đó nghiên cứu nâng mức quy mô công trình phải đấu thầu lên từ trên 3 tỷ đồng để tổ chức thực hiện kịp thời, tránh kéo dài thời gian, gây lãng phí; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.

Đồng thời có cơ chế cụ thể để người dân trực tiếp tham giá với vai trò chủ thể thụ hưởng; cơ chế ưu đãi hấp dẫn để huy động người dân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.

Văn Tân
 


.