Hoang mang với... khuyến cáo

02:10, 21/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hoá chất khác”. Định nghĩa trên được Bộ Y tế nêu ra đã khiến người tiêu dùng hoang mang, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi đang sử dụng sữa công thức.

Nhiều bà mẹ Việt Nam đều biết tác dụng vô cùng to lớn của sữa mẹ đối với trẻ. Có điều, không phải bà mẹ nào cũng tự “sản xuất” đủ sữa cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến hết 24 tháng. Vì vậy, việc sử dụng sữa công thức bổ sung cho trẻ là giải pháp “chẳng đặng đừng”, nhưng vẫn khả thi, nhất là với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, giai đoạn 1985-2010, khẩu phần canxi của người Việt Nam ở mức 500-540mg/người/ngày, chỉ đáp ứng 50-60% mức khuyến nghị và 25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen ít sử dụng sữa, chế phẩm sữa và các thực phẩm nguồn gốc thủy sản.

Vì vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị người dân, nhất là trẻ nhỏ nên sử dụng sữa và các chế phẩm của sữa để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt. Đối với trẻ ở độ tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên cần được bổ sung thức ăn (rau, củ, quả cũng như sữa và các chế phẩm của sữa) ngoài nguồn sữa mẹ.

Đối với Bộ Y tế, thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, Bộ này cũng khuyến nghị “Trẻ sau 6 tháng tuổi và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi”. Điều khó hiểu là định nghĩa “sữa thay thế sữa mẹ=sữa bò+hóa chất” mà Bộ Y tế đưa ra chỉ cốt để cấm quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Bộ này lo lắng, việc quảng cáo quá mức sẽ khiến nhiều bà mẹ “nhầm tưởng” sữa công thức tốt hơn sữa mẹ. Dư luận chia sẻ với lo lắng của Bộ Y tế, nhưng nếu không thông qua quảng cáo, liệu các bà mẹ có tiếp cận được thông tin giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... của sữa và các chế phẩm từ sữa để có những lựa chọn phù hợp?

Vì vậy, thay vì lo xa như thế, Bộ Y tế nên phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ chất lượng sữa, cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn thông tin chính xác, đầy đủ để mua được sản phẩm đảm bảo.

M.H
 


.