Nâng cao đạo đức người làm báo

04:07, 24/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Luật Báo chí 2016 có 6 chương 61 điều, trong đó 32 điều mới, 29 điều sửa đổi. Điểm cốt yếu nhất của Luật này là, khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, đảm bảo quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội.

Trong những năm qua, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân, phê phán đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng tiêu cực, tệ nạn xã hội... góp phần dự báo, đón đầu các xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp. Đó là hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, bóp méo sự thật... Rồi tình trạng nhà báo lạm quyền, cửa quyền ngày càng gia tăng; hiện tượng nhà báo lợi dụng vị trí, công việc để vụ lợi cá nhân, làm trái pháp luật vẫn còn xảy ra.

Chuẩn mực quan trọng nhất của nhà báo là sự liêm chính, liêm khiết và chính trực. Chính điều này mà báo chí và nhà báo luôn được xã hội tôn vinh, trân trọng và đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng hiện cũng có một bộ phận xã hội đang có cái nhìn e dè, nghi ngại báo chí và nhà báo.

Nghề báo là một nghề đặc biệt, bởi sản phẩm báo chí làm ra từng giờ, từng ngày tác động đến đời sống xã hội. Vì vậy, nghề báo luôn đặt nặng vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Nói như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, thì: “Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là góp phần xây dựng đạo đức xã hội. Những ngọn bút thiếu đạo đức thì không thể góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội”.

Luật Báo chí 2016 đang được triển khai trên cả nước (có hiệu lực vào ngày 1.1.2017-PV); cùng với đó là lấy ý kiến sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp người làm báo, để đưa đạo đức nghề nghiệp thành chế tài pháp luật, để điều chỉnh hành vi nhà báo, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn báo chí và xã hội.

PHẠM DANH
 


.