Liên thông ngược

01:04, 18/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong vài năm gần đây xảy ra hiện tượng, tại một số trường trung cấp, có khoảng 30% số hồ sơ nhập học là những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, và thậm chí một số còn có cả bằng thạc sĩ nữa. Trước nay, chuyện học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học là chuyện bình thường. Rất nhiều người học đại học tại chức, vì muốn xóa chữ “tại chức” trong lý lịch, đã quyết học lên thạc sĩ và họ đạt được nguyện vọng một cách khá dễ dàng. Còn hiện tượng “liên thông ngược” từ trên đại học, rồi đại học chuyển... xuống học cao đẳng hay trung cấp, thì bây giờ mới thấy.

Đó là một dấu hiệu...  buồn cười của nền giáo dục chúng ta, một nền giáo dục quyết chạy theo bằng cấp tới lúc… chạy không nổi nữa bèn... chạy ngược. Lý do: Sinh viên nhiều trường đại học ra trường không xin được việc làm, kể cả thạc sĩ cũng... thất nghiệp luôn, phải bưng bê cà phê hay làm nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, quán nhậu kiếm tiền nuôi thân. Mấy năm học đại học đã tốn của gia đình bao nhiêu là tiền, giờ không xin được việc làm, nếu cứ... học lên thì tương lai vẫn chưa biết thế nào. Trong khi học trung cấp nghề, dù sao cũng trang bị cho mình được một nghề, cơ hội xin việc có nhiều hơn. Đây là thất bại của tâm lý “học lên, lên nữa, lên mãi” và “cả nước học đại... học”, nhưng về mặt nào, đây lại là một thành công “tự phát” của giáo dục. Nó chứng tỏ nhận thức của sinh viên bây giờ đã bắt đầu đổi khác: Không còn hám cái danh... đại học, hay danh “thạc sĩ” nữa, mà đã tìm về với những nơi dạy nghề, những nơi có thể cung cấp cho mình một cái nghề kiếm sống.

Nhận thức thực tế ấy là rất tích cực, dù lâu nay rất nhiều ý kiến đã cảnh báo về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nhưng chả ai thèm nghe. Phải tới khi đụng vào “bức tường xin việc”, sinh viên tốt nghiệp đại học và gia đình mới vỡ lẽ ra: Còn những con đường khác để kiếm sống, để làm việc, kể cả để khởi nghiệp và thành công, chứ không chỉ “một cửa” vào đại học. Hiện tượng “liên thông ngược” đã xuất hiện, dù nó... ngược, theo kiểu “nuôi trâu rồi mới nuôi gà”, nhưng về quy luật làm việc, nó lại thuận, vì trong xã hội, bao giờ số lượng “thợ” cũng phải nhiều hơn số lượng “thầy”. Và những người làm việc cụ thể, làm nghề, bao giờ cũng nhiều hơn những người làm lý thuyết.

Đã khá muộn để xuất hiện “liên thông ngược” này, nhưng muộn còn hơn không! Xu hướng học nghề đang tăng cao. Bây giờ, nó lại đòi hỏi chất lượng từ các trường dạy nghề của ta. Nói thật, lâu nay, chất lượng đào tạo nghề ở các trường này là rất thấp. Nhiều sinh viên đã chọn học nghề tại nơi họ làm việc với tư cách “thợ phụ”, và họ đã học được nghề. Nếu các trường trung cấp dạy nghề không thay đổi, không nâng cấp hiệu quả đào tạo nghề một cách thực tế, những trường này vẫn có nguy cơ phá sản, dù xu hướng “liên thông ngược” đang diễn ra khá mạnh mẽ.

THANH THẢO
 


.