Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XI:
Thảo luận về các nội dung liên quan đến đất rừng và công tác bảo vệ, phát triển rừng

09:12, 09/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 9.12, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp HĐND lần thứ 18, các đại biểu đã thảo luận các nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp liên quan đến đất lúa, đất rừng phòng hộ và công tác bảo vệ, phát triển rừng. 
Mở đầu chương trình thảo luận chiều nay tại kỳ họp, ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đọc Tờ trình về ban hành Nghị quyết danh mục công trình, dự án thu hồi đất và danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp trong năm 2016. 
 
Theo đó, thực hiện Nghị quyết 39 ngày 16.12.2014 của HĐND tỉnh về việc thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp, toàn tỉnh có 697 công trình, dự án phải thu hồi đất và 322 công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất đăng ký thực hiện trong năm 2015.
 
Đến thời điểm này, các huyện đã triển khai thực hiện thu hồi đất đối với 303 công trình, dự án và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ đối với 129 công trình, dự án; còn lại 569 công trình, dự án không triển khai thực hiện.
 
Các đại biểu tham gia thảo luận
Các đại biểu tham gia thảo luận.
 
Theo đánh giá, mặc dù được sự quan tâm của HĐND tỉnh và UBND các cấp nhưng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 đạt kết quả  thấp. Vướng mắc của các địa phương là chưa thể xác định chính xác công trình, dự án có vốn thực hiện trong năm kế hoạch. Nhiều công trình, dự án chưa bố trí được vốn đề triển khai thực hiện, nhất là công trình, dự án có nguồn vốn cấp xã, huyện. Việc thông báo thu hồi đất chiếm quá nhiều thời gian. Cùng với đó là nhiều bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư...
 
Kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh có 481 công trình, dự án phải thu hồi đất, 182 công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ. 
 
Thảo luận về nội dung liên quan đến Tờ trình này, đại biểu Nguyễn Đức Tỵ- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đề nghị UBND tỉnh sớm ra quyết định thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất tái định cư các công trình đường Quốc lộ 1- Phổ Vinh, Quốc lộ 1- Mỹ Á giai đoạn 2 và đường Trung tâm thị trấn nối dài để huyện có cơ sở pháp lý bàn giao cho dân.
Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tào nguyên và Môi trường giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm
Ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Còn đại biểu Võ Việt Chính- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị, đối với những công trình, dự án đã làm nhưng đang vướng thủ tục quyết toán, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục bổ sung để hoàn thành và vấn đề này phải được làm tốt, tránh để xảy ra tình trạng dự án treo. Bởi,  khi dự án treo quá lâu, người dân đòi lại quyền lợi sử dụng đất thì việc giải quyết sẽ càng phức tạp. Đồng thời, đại biểu Võ Việt Chính cũng đề nghị, cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến Luật đất đai cho các Ban giám sát, Ban quản lý dự án ở các địa phương để thời gian tới thực hiện công tác này được tốt hơn.

Cũng liên quan đến nội dung Tờ trình này, đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo- Phó Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị xem xét làm rõ vì sao một số công trình, dự án quy mô nhỏ nhưng kinh phí bồi thường lớn như: Điểm sinh hoạt văn hóa thôn Phổ Trung, Điểm sinh hoạt văn hóa tổ 14 phường Chánh Lộ… và vì sao công trình, dự án mới dừng ở bước cho chủ trương chuẩn bị đầu tư nhưng đưa vào danh mục công trình năm 2016…
 
Giải trình những thắc mắc trên, ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việc xác định danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất trong năm 2016 được UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ. Chính vì vậy, dù UBND các huyện, thành phố đăng ký 733 công trình, dự án thực hiện trong năm 2016 nhưng sau khi rà soát, chỉ còn 288 công trình, dự án đáp ứng các điều kiện. 
 
Liên quan đến Tờ trình về ban hành Nghị quyết danh mục công trình, dự án thu hồi đất và danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp trong năm 2016, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ đề nghị, để thuận tiện cho người dân và không ảnh hưởng nhiều đến các quyền của người sử dụng đất thì trên cơ sở, những dự án nào có khả năng thực hiện được tốt thì ngay từ đầu năm  đưa vào kế hoạch thu hồi đất và trình HĐND ban hành Nghị quyết. Còn đối với những dự án nào chưa có hoặc giữa năm hay Quý I có thì lúc đó chúng ta xử lý tình huống như lâu nay, là xin thỏa thuận với Thường trực rồi báo cáo với HĐND. 
 
Các đại biểu HĐND tham gia biểu quyết thông qua các tờ trình
Các đại biểu HĐND tham gia biểu quyết thông qua các tờ trình.
 
Cũng trong chiều nay, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PTNT cũng đã đọc Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh về Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011- 2020.
 
Theo Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, Quy hoạch đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi có tổng diện tích đất lâm nghiệp 296.000ha, tại Tờ trình này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sửa đổi, bổ sung đến năm 2020 có tổng diện tích rừng là 285.200ha, giảm 10.700ha; đối với quy hoạch bảo vệ phát triển rừng đến năm 2020 sẽ khoán quản lý bảo vệ rừng là 193.500ha, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị điều chỉnh bổ sung đến năm 2020 là 186.800 ha, giảm trên 6.700ha. Tổng kinh phí thực hiện bảo vệ và phát triển rừng điều chỉnh, bổ sung từ 3.227 tỷ đồng lên 4.539 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 518 tỷ đồng, vốn ODA là 601 tỷ đồng, vốn tín dụng là 903 tỷ đồng, vốn tự có của các doanh nghiệp và hộ gia đình là 2.489 tỷ đồng, vốn dịch vụ môi trường rừng là 26 tỷ đồng.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PTNT trình bày các Tờ trình tại kỳ họp
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PTNT trình bày các Tờ trình tại kỳ họp

Liên quan đến nội dung này, hầu hết các đại biểu thống nhất với nội dung Tờ trình tại kỳ họp. 

Tiếp tục chương trình buổi thảo luận, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PTNT đã đọc Tờ trình đề nghị thông qua kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi 5 năm, giai đoạn 2016- 2020 và Tờ trình đề nghị Quy định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh. 
 
Về Tờ trình đề nghị thông qua kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi 5 năm, giai đoạn 2016- 2020, ông Đỗ Văn Cường- Phó Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh đặt vấn đề yêu cầu ngành Nông nghiệp giải trình vì sao lại giảm quy hoạch rừng phòng hộ, tăng quy hoạch rừng sản xuất và vì sao bỏ chỉ tiêu trồng rừng bổ sung mật độ giai đoạn 2011- 2020. 
 
Giải trình những nội dung này, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PTNT cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch giảm 10.786ha sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập trong việc xây dựng các công trình như: Khu Kinh tế Dung Quất (2.960ha), khu Công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP (480ha), đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi (40ha).
 
Bên cạnh đó, ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN& PT cũng cho rằng , hơn 4.500ha diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở các huyện miền núi và một số xã của huyện Đức Phổ quy hoạch bất hợp lý nên việc chuyển đổi sẽ tạo quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc bỏ chỉ tiêu trồng trên 2.000ha rừng bổ sung mật độ là do không có kinh phí thực hiện. Hơn nữa, diện tích rừng phòng hộ có mật độ cây trồng thấp hiện nay đã được trồng mới hoặc chuyển rừng sản xuất, đảm bảo chất lượng rừng tốt hơn.
 
Tại buổi làm việc chiều nay, các đại biểu cũng đã biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng Nghị quyết năm 2016 của HĐND tỉnh.
 
Theo chương trình làm việc, ngày mai (10.12), kỳ họp HĐND lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa XI sẽ bước vào ngày làm việc thứ 3, trong nội dung chương trình buổi sáng, các đại biểu HĐND sẽ nghe Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường đọc các Tờ trình gồm: Tờ trình đề nghị Quy định mức thu phí thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất; khai thác, sử dụng mặt nước; xả nước thải vào nguồn  nước và công trình thủy lợi tỉnh; Tờ trình đề nghị Quy định mức thu phí thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tình; Tờ trình đề nghị Quy định thu lệ phí cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dựng nước dưới đất và lệ phí cấp phép khai thác, sử dụng mặt nước trên địa bàn tỉnh;  Tờ trình đề nghị Quy định mức thu phí thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng thời, các đại biểu cũng nghe và thảo luận về Tờ trình đề nghị Quy định mức thu và quản lý sử dụng phí cảng cá và khu neo đậu trú bão cho tàu các trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị Quy định mức phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Các nội dung trên sẽ tiếp tục được Báo Quảng Ngãi điện tử phản ánh trong bản tin sau.
 
Nhóm PV Quảng Ngãi điện tử
 

 


.