Kỳ vọng của cử tri

03:12, 12/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo dõi diễn biến kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cử tri kỳ vọng kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong năm 2016 và những năm đến. Tuy nhiên, cử tri vẫn còn những băn khoăn về một số cơ chế, chính sách thực thi chưa quyết liệt nên doanh nghiệp, nông nghiệp, nông thôn và nông dân... chưa thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Phóng viên Báo Quảng Ngãi lược ghi những tâm tư của cử tri trong tỉnh gửi đến HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

 

*Ông Lâm Quang Soạn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi: “Mong tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa”

Theo dõi các kỳ họp của HĐND tỉnh, tôi thấy trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã quan tâm hơn đến cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế, chính sách ưu đãi mặc dù đã ban hành, nhưng chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời; thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự thông thoáng, tạo thuận lợi cho DN.
 
Cũng như nhiều DN khác trong tỉnh, Công ty Điện lực luôn mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh nhiều hơn nữa, nhất là việc bàn giao lưới điện nông thôn, để Công ty có điều kiện đầu tư cải tạo, nâng cấp, nâng cao chất lượng điện phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là tạo điều kiện để ngành điện lực cùng với tỉnh hoàn thành "tiêu chí số 4” - tiêu chí về điện trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

*Ông Đinh Dông - Chủ tịch UBND xã Thanh An (Minh Long): "Để giảm nghèo bền vững, cần quy định thời gian thoát nghèo"

Toàn xã Thanh An có 905 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm 29%. Sắp tới bình xét hộ nghèo theo chuẩn mới, thì tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ tăng lên 35- 40%. Vậy nên, bài toán giảm số hộ nghèo xuống càng thêm cam go. Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ tiền theo Chương trình 135, 30a để mua con giống cho hộ nghèo vẫn còn thấp.
 
Mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/hộ để mua con giống trâu, bò là quá thấp, cần tăng lên. Cái khó hơn là ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân còn kém. Cụ thể, trên địa bàn xã chưa có trường hợp nào tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Tôi nghĩ, ngoài sự trợ lực từ phía Nhà nước và xã hội, thì điều kiện tiên quyết là chính người nghèo phải có ý chí vươn lên. Vì vậy, khi hỗ trợ cho người nghèo thì Nhà nước cần có quy định về thời gian thoát nghèo cho họ, để họ lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

*Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng và kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn): “Cần tạo điều kiện hơn nữa đối với những HTX mới thành lập”

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn còn quá xa. Nhất là đối với những HTX mới đi vào hoạt động, nguồn vốn còn thiếu nên rất cần nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng lại không tiếp cận được. Do đó, muốn tồn tại và phát triển, nhiều HTX phải thế chấp sổ đỏ ở các ngân hàng thương mại để vay với lãi suất cao.
 
Bên cạnh đó, việc mở rộng HTX cũng còn gặp nhiều khó khăn do không có quỹ đất. Mong rằng, trong thời gian tới, Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa đối với những HTX mới thành lập còn yếu về vốn, giúp họ dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để HTX có thể phát triển, góp phần giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

*Ông Trần Ngọc Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Quân (Tây Trà): “Tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất cho các điểm trường miền núi”

Nằm ở khu vực miền núi xa nhất tỉnh, nên không chỉ điểm Trường Tiểu học xã Trà Quân, mà nhiều điểm trường khác của xã thầy và trò phải dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Riêng tại Trường Tiểu học Trà Quân, học sinh vẫn chưa được tiếp cận với môn tin học vì chưa có phòng và máy vi tính, phòng nghe nhìn môn Ngoại ngữ cũng thiếu, phòng âm nhạc và mỹ thuật cũng chưa có nên học sinh phải chịu thiệt thòi.
 
Hơn nữa, nhà bán trú cho học sinh, nhà bán trú cho giáo viên cũng là một trong những điều mà chúng tôi mong mỏi nhất. Bởi, các thầy cô dạy ở các điểm trường lẻ xa xôi, đi lại khó khăn đang phải ở nhờ nhà dân. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.

*Ông Từ Văn Tâm (thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành): “Quan tâm hơn nữa về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp”

Những năm gần đây, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân có nhiều thuận lợi hơn nhờ các chính sách của Nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế trang trại cũng như tạo điều kiện để vay vốn làm ăn, mua sắm máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân giảm được gánh nặng lao động, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
 
Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay của nông dân là đầu ra cho sản phẩm. Bởi với điều kiện làm nông nghiệp như hiện nay, nhiều nông dân có thể mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng trang trại, nhưng cái khó là đầu ra còn quá bấp bênh, tùy thuộc vào thị trường nên nông dân chỉ dám dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Chỉ cần Nhà nước bình ổn được giá cả thị trường thì nông dân dù có lãi ít nhưng vẫn an tâm phát triển sản xuất.

*Ông Đinh Văn Bồ, thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long): "Người giữ rừng cần thêm định mức, công cụ hỗ trợ”

Địa bàn thôn Công Loan hiện có 7 hộ dân được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ một diện tích rừng phòng hộ khá lớn. Đây là diện tích rừng có nhiều loại gỗ quý, nhưng lại nằm ở xa khu vực dân cư sinh sống, các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho công việc của những kiểm lâm "chân đất" này lại còn hạn chế. Trong khi đó lâm tặc hết sức manh động, liều lĩnh.
 
Đây thực sự là một áp lực khá nặng nề. Hơn nữa, hiện nay mức hỗ trợ tiền theo quý cho các hộ này cũng chỉ mang tính tượng trưng, chưa tương xứng so với công sức họ bỏ ra. Tôi nghĩ, để người dân sống được dưới tán rừng, Nhà nước cần tăng thêm định mức hỗ trợ tiền, linh hoạt cho những hộ bảo vệ rừng trồng thêm các loại cây dược liệu xen kẽ trong rừng phòng hộ, để tăng thêm thu nhập.

*Anh Phan Ngọc Lang - công nhân Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster KCN Tịnh Phong: "Sớm xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp"

Trong những kỳ họp trước, có đề cập đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy thực thi. Hàng ngàn công nhân ở xa làm việc tại các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ, tốn kém, chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Hiện tại, mỗi tháng công nhân phải thuê nhà trọ hết khoảng 1/5 thu nhập và những chi phí khác, nên thực chất số tiền tích lũy được không đáng kể. Hơn nữa, vấn đề môi trường, an ninh ở các khu nhà trọ nhiều nơi không đảm bảo.
 

Thời gian đến, mong tỉnh quan tâm triển khai quyết liệt việc xây nhà ở cho người lao động, giúp họ cải thiện cuộc sống, an tâm gắn bó với công việc tại khu công nghiệp của tỉnh.



 

*Ông Bùi Văn Nở, thôn 3, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi): “Cần giảm phí giữ xe và quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường ở bệnh viện”

Về việc thu phí giữ xe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở mức 2.000 đồng/xe, theo tôi là quá cao. Nhất là đối với những người dân ở quê như chúng tôi, thu nhập thấp, kinh tế lại không mấy dư dả. Một ngày thăm nuôi ở bệnh viện, chỉ cần ra vào vài lượt là đã gần chục nghìn đồng. Ngoài ra, việc vệ sinh phòng ốc, phòng vệ sinh tại bệnh viện tỉnh không đồng đều. Có phòng thì sạch, phòng thì bẩn vô cùng.
 
Vì vậy, chúng tôi rất mong trong thời gian đến, vấn đề vệ sinh tại bệnh viện sẽ được quan tâm hơn. Việc thu phí giữ xe tại bệnh viện cũng cần giảm giá xuống, hoặc miễn phí để người dân bớt đi một khoản chi phí.

 


Nhóm P.V
 

 


.