Cần một bộ quy tắc ứng xử

09:11, 08/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Muốn xây dựng một thành phố hay một địa phương thân thiện, cần rất nhiều yếu tố. Nhưng một yếu tố quan trọng hàng đầu, đó là những chuẩn mực ứng xử giữa con người với con người, và trong cộng đồng. Nói đó là những chuẩn mực văn hóa cũng đúng, mà gọi đó là chuẩn mực đạo đức vẫn đúng.

Xã hội muốn văn minh, muốn hội nhập cùng nền văn minh thế giới, thì không thể thiếu những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực ứng xử giữa người với người. Ngay như một chuyện nhỏ là chỉ đường cho người lạ, văn minh ứng xử cũng được thể hiện rất rõ. Nếu có chuyện ở một thành phố lớn của chúng ta, có người treo bảng “Chỉ đường giá 10K (mười nghìn đồng)”, một “tấm bảng chẳng giống ai”, nó tố cáo sự thiếu văn minh và lịch sự tối thiểu, thì tôi đã gặp trên nhiều đường phố ở phương Tây, mỗi khi tôi hỏi đường, người ta đều rất nhiệt tình và chỉ đường rất cặn kẽ, tới nơi tới chốn. Khách lạ cảm thấy ấm áp và không bao giờ lo phải lạc đường.

Hay như chuyện cứ thấy khách du lịch ngoại quốc là “kê khống” giá các mặt hàng nhằm “chặt chém”, làm ăn như thế không chỉ vô đạo đức, mà cũng rất kém về ứng xử, một sự kém cỏi sẽ mang lại thiệt hại lớn cho những người bán hàng. Một khi phát hiện ra thủ đoạn chặt chém này, khách du lịch ngoại quốc sẽ “một đi không trở lại”.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, nếu trong mỗi gia đình có một bộ quy tắc ứng xử rất ngắn gọn nhưng đầy đủ, cha mẹ hay ông bà sẽ dạy con cháu biết “đi thưa về trình”, biết chào hỏi thân thiện với mỗi thành viên trong gia đình và với khách. Khi tới trường, lại rất cần một bộ quy tắc ứng xử học đường, để học sinh thấm nhuần nếp sống văn minh, biết ứng xử vừa tự tin, vừa lễ độ, không bao giờ khép nép thu mình tự ti, nhưng cũng không bao giờ ngông ngược, hênh hoang hay bất chấp. Người xưa gọi đó là “không thái quá, vì thái quá dẫn tới bất cập”. Những xuống cấp đạo đức trong xã hội cũng như trong học đường đều bắt đầu từ thiếu hụt văn hóa ứng xử, không có thói quen nhường nhịn mà chỉ biết “xông lên xốc tới” vượt qua những rào cản đạo đức. Không biết nhường đường, chỉ biết tranh đường dù chẳng có mục đích gì rõ rệt, lối sống ích kỷ ấy chỉ dẫn tới những tai nạn.

Hãy bắt đầu từ việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử từ ở gia đình, trong học đường và ngoài xã hội. Tôi nhận thấy, những em bé nào ngay từ nhỏ đã biết sống hài hòa, sống hướng thiện, không ganh ghét, thì lớn lên nhất định sẽ thành người tốt. Cái đó có một phần tự nhiên “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng nói như thơ Bác Hồ, “phần nào do giáo dục mà nên”. Ông bà cha mẹ phải là tấm gương đạo đức, tấm gương ứng xử cho con cháu, thầy cô giáo cũng phải là tấm gương cho học trò, thì bộ quy tắc ứng xử khi được phổ cập tới mọi người mới phát huy tác dụng tốt.

Các cơ quan văn hóa hoàn toàn có đủ năng lực để xây dựng nên bộ quy tắc ứng xử này, phối hợp giữa những điều tốt đẹp từ truyền thống với những điều tốt đẹp của thế giới văn minh. Một bộ quy tắc giản dị, ngắn gọn, dễ nhớ dễ thuộc, nhưng đầy đủ và sâu sắc, sẽ là “kim chỉ nam” cho những hành xử trong xã hội thân thiện và văn minh. Sau khi xây dựng bộ quy tắc này, thì việc phổ cập sâu rộng nó trong cộng đồng là vô cùng cần thiết.          
  

THANH THẢO
 


.