Thấy gì qua festival?

09:07, 14/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung diễn ra một tuần tại TP. Quảng Ngãi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hiệp hội làng nghề và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vừa khép lại, với dư vị buồn vui lẫn lộn.
 

TIN LIÊN QUAN

Vui vì lần đầu tiên hàng loạt nông sản đặc trưng của miền núi tỉnh ta có mặt ở hội chợ. Nào là tiêu xanh, sa nhân tím, mè đen, chè xanh của Minh Long; chuối rừng, củ mì gòn, lúa rẫy Tây Trà, hay như Trà Bồng ngoài các sản phẩm quế, còn mang đến hội chợ ớt sim sấy khô, rau ranh… Điều phấn khởi là các nông sản này được người tiêu dùng đón nhận và tiêu thụ hết chỉ sau vài ngày hội chợ mở ra. Thậm chí có những nông sản được người tiêu dùng ngoài tỉnh đặt hàng sau khi hội chợ kết thúc.

Điều này gợi mở, nếu được quảng bá và có chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng hẳn hoi, thì hàng nông sản của miền núi sẽ tìm được hướng ra và có chỗ đứng trên thị trường. Vấn đề là, chính quyền các huyện miền núi cần định hướng, tìm tiếng nói chung với nông dân và dĩ nhiên cần thêm sự hỗ trợ của tỉnh để đưa các loại nông sản “sạch” đúng nghĩa mang đặc trưng của núi rừng gần hơn với thị trường.

Festival lần này đã thu hút khoảng 800 gian hàng được đăng ký là “sản phẩm làng nghề Việt Nam”. Thế nhưng thực tế không ít hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và cả hàng ngoại… trà trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến mục đích “tôn vinh sự cống hiến của các làng nghề, thúc đẩy sản xuất, quảng bá tiềm năng và sản phẩm của làng nghề Việt Nam”.
Thực tế, Festival đã “hút” rất đông người tiêu dùng. Điều này cho thấy nhu cầu tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng mới đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, không ít người đã cảm thấy thất  vọng khi quá nhiều hàng hóa không phải là sản phẩm làng nghề, chất lượng kém “lọt” vào Festival này, với giá rẻ không ngờ và đáng nói là nó chả liên quan gì đến “nông nghiệp và làng nghề miền Trung”.

Lý giải về vấn đề này, một số thành viên Ban tổ chức Festival cho biết “có cho phép tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại”. Có thể những người tổ chức mong muốn hội chợ “đông vui” hơn. Nhưng việc để hàng kém chất lượng, rồi hàng ngoại… “tràn” vào hội chợ là điều cần rút kinh nghiệm, bởi Festival lần này được tỉnh chuẩn bị rất chu đáo. Trước ngày diễn ra Festival, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định Festival Nông nghiệp và Làng nghề là dịp để các cá nhân, tổ chức tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và các làng nghề đến người tiêu dùng. Đồng thời, tôn vinh các sản phẩm, hàng hóa phục vụ nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban tổ chức cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ, không để các sản phẩm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vào hội chợ.

Mỗi hội chợ đều có những mục đích riêng, đối tượng khách hàng riêng, nhưng có điểm chung là đều tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của (cho dù đó tiền của Nhà nước hay kinh phí vận động xã hội hóa). Nếu lấy tên gọi là “Hội chợ hàng tiêu dùng” thì có thể du di cho hàng ngoại tham gia, nhưng cũng trong chừng mực, tỷ lệ nhất định nào đó. Còn đây là festival “kết nối” sản phẩm nông nghiệp và làng nghề miền Trung mà để hàng ngoại, hàng kém chất lượng “lấn sân” là điều đáng tiếc.

5 năm qua, chúng ta đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hội chợ được tổ chức cũng nhằm mục đích đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt. Song cứ mỗi hội chợ được tổ chức thì y như rằng đều có chuyện. Không ít “Hội chợ hàng Việt” mà hàng ngoại nhiều hơn hàng Việt, thậm chí cả hàng ngoại đội lốt hàng Việt đang trở nên phổ biến. Thế nên, cần lắm những hội chợ mang đúng tên gọi và đúng mục đích đề ra.
 

Hoàng Triều
 


.