Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn

09:07, 01/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Trước tình hình tiến độ dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, ngày 1.7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát dọc tuyến và có buổi làm việc với 3 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng các nhà thầu, đơn vị thi công dự án.

Thiếu vốn, khan mỏ vật liệu
 
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm của miền Trung đi qua tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với tổng chiều dài toàn tuyến là 139,204 km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 34.500 tỷ đồng; trong đó vốn vay JICA là 16.799 tỷ đồng (tương ứng với 65 km) và vốn vay WB là 12.419 tỷ đồng (tương ứng với 74,204 km). 
 
Dự án đường cao tốc được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h; bề rộng nền đường là 25,5 m. Toàn tuyến có 104 cầu vượt sông (trong đó có 4 cầu vượt sông chính) và 1 hầm.
 
Dự án được khởi công ngày 19.5.2013, đến nay giá trị khối lượng chung đạt 4.232 tỷ đồng, bằng 23,84% tổng giá trị xây lắp và đạt 86,85% yêu cầu kế hoạch tiến độ.
 
Phương tiện thi công mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đoạn qua Quảng Ngãi.
Phương tiện thi công mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đoạn qua Quảng Ngãi.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đang còn  chậm vì thiếu vốn đối ứng cho địa phương với khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tạm ứng kinh phí cho các địa phương để giải quyết chi trả đền bù và xây dựng các khu tái định cư
 
Hiện toàn tuyến có 32,39 km với 77 vị trí chưa thể thi công. Trong số 121,7 km đã chi trả đền bù và bàn giao mặt bằng nhưng thực tế vẫn còn vướng mắc cục bộ với tổng chiều dài gần 15 km với 1.350 hộ dân.
 
Theo các địa phương thì, vướng mắc chủ yếu là chưa có đất tái định cư (cho gần 1.000 hộ), tranh chấp đất (97 hộ), còn lại là có khiếu nại về giá hoặc hình thức đền bù, tái định cư. Ngoài ra, có tình trạng chậm thẩm định và phê duyệt trong phương án đền bù, thủ tục pháp lý, phương án tái định cư...
 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thì hiện nay một khó khăn nữa là các mỏ vật liệu phục vụ cho thi công đường cao tốc đang rất khan hiếm. Vì vậy, đề nghị các địa phương cho khai thác các mỏ vật liệu tại chỗ như các mỏ đất, đá, sỏi... có như vậy mới đáp ứng đủ nhu cầu về vật liệu cho thi công.
 
Liên quan đến vướng mắc của dự án về di tích Chăm được phát hiện tại Quảng Nam, đại diện Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cho rằng: Hiện ngành khảo cổ đang tích cực triển khai khai quật di tích nằm trên đường đi qua của đường cao tốc tại địa phận tỉnh Quảng Nam. 
 
Cần đẩy nhanh tiến độ và đồng bộ các giải pháp
 
Sau khi đi thị sát và làm việc với các các nhà thầu, đơn vị thi công dự án và các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng trong việc triển khai từng gói thầu của dự án tổng thể. Phó Thủ tướng cho rằng, dù mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng đến thời điểm này các đơn vị đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc của dự án.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Đây là dự án hết sức quan trọng của khu vực miền Trung vì vậy phải tập trung nguồn nhân lực, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn để triển khai thực hiện đúng tiến độ. Hiện công trình nằm trong vùng lũ và thời gian đến mùa lũ rất gần nên cần phải tính đến giải pháp chống lũ trên các đoạn công trình và cho cả công trình. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các nhà thầu tập trung chống lũ cho công trình từ tháng 9 trở đi. Đây là việc hết sức quan trọng và cấp bách, nên phải đôn đốc nhà thầu chuẩn bị kế hoạch cũng nhưng phương án chống lũ cụ thể.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải  phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
 
Các địa phương cần tập trung giải quyết sớm các hộ có thể gây tranh chấp và các hộ đang tranh chấp tại địa phương, để đảm bảo hiệu quả của công trình, giải phóng mặt bằng phải có chọn lọc, xử lý làm sao không phát sinh ra các nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính về sau; đồng thời làm tốt trong việc xây dựng các khu tái định cư. 
 
Hiện tiến độ dự án còn chậm 3,66% do vậy các đơn vị thi công cần khẩn trương đẩy mạnh tiến độ thi công để hoàn thành đúng kế hoạch, thông qua việc phân bổ nguồn lực một các hợp lý, tạo được tính đồng bộ cao trên toàn dự án. Đối với vốn trong giải phóng mặt bằng, đề nghị Bộ ngành liên quan tìm cách để lấy vốn cho các địa phương để thực hiện tốt trong việc giải phóng mặt bằng. 
 
Đối với các mỏ vật liệu, Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo 3 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần giao trực tiếp Sở Tài nguyên môi trường để đề xuất giải quyết kịp thời và các địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc khai thác và sử dụng vật liệu tại chỗ này. 
 
Liên quan đến việc di dời khu di tích Chăm tại Quảng Nam, cần phải hoàn thành trước 2.9 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ngành điện cũng phải làm ngay kế hoạch cụ thể để có phương án di dời hợp lý từng đường dây điện một, từng công trình điện một. Phải phối hợp làm cụ thể các phương án thiết kế điều chỉnh, thỏa thuận cắt điện vừa bảo đảm mặt bằng cho dự án, vừa bảo đảm thông suốt truyền tải điện Bắc - Nam.
 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: các đơn vị thi công phải thi công  đảm bảo chất lượng của tuyến đường này, đây là mục tiêu hàng đầu. Do vậy, chủ đầu tư cần phải đi kiểm tra, giám sát từ khâu đầu đến khâu cuối; giám sát toàn tuyến. Đánh giá hàng tháng một và có báo cáo cụ thể cho Chính phủ để có hướng chỉ đạo.
 
 M.Toàn

.