Tai nạn đường sắt

06:03, 17/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc tại Quảng Trị xảy ra đêm 10.3.2015 khi đoàn tàu SE5 đâm trực diện vào một chiếc xe tải băng ngang qua đường sắt, khiến 3 toa tàu bị hất văng khỏi đường ray. Đầu máy tàu bị cắt rời khỏi đoàn tàu, bị hư hỏng nặng và tiếp tục lao về phía trước tới 1km. Lái tàu tử vong tại chỗ. Nhiều hành khách bị thương, và đường sắt bị tắc nghẽn trong gần một ngày đêm. Theo một cán bộ của ngành đường sắt, thì những vụ tai nạn như thế này thường xuyên xảy ra đối với đường sắt, nhất là tuyến Bắc-Nam.  

Trong số các vụ tai nạn đường sắt, chủ yếu là các vụ va chạm giữa các đoàn tàu với các phương tiện giao thông đường bộ chạy băng qua đường ngang. Những vụ tai nạn này một lần nữa cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đường sắt, đặc biệt tại các đoạn đường giao cắt giữa đường dân sinh với đường sắt. Có thể nói, chỉ có ở Việt Nam thì những “đường dân sinh” băng ngang đường sắt không hề có che chắn bởi các ba-ri-e mới tồn tại một cách “bình thản” lâu đến như thế.

Từ những đường ngang giao cắt ấy, các loại xe ô tô luôn “tranh thủ” lao qua trước mũi các đoàn tàu, và tai nạn xảy ra là không thể tránh khỏi. Từ khá lâu rồi, ngành đường sắt bàn giao các “đường dân sinh” này cho các địa phương quản lý. Nhưng các địa phương cũng không biết quản lý như thế nào, và cũng không có biện pháp nào để quản lý. Thành ra một khi tai nạn xảy ra ở địa phương nào thì cứ như một sự may rủi, vì tai nạn có thể xảy ra ở tất cả các địa phương có đường sắt chạy qua. Với những nước phát triển, nơi hệ thống đường sắt đã hiện đại hóa với những chuyến tàu cao tốc, thì hoàn toàn không có những “đường dân sinh” băng cắt ngang đường sắt mà không có bất cứ hệ thống bảo hiểm an toàn nào.

Với những đường dân sinh như thế, người ta hoặc là thiết kế băng qua trên cao, hoặc là chui ngầm dưới đất. Với khổ đường sắt rộng 1 mét như ở Việt Nam (trong khi chuẩn đường sắt quốc tế là 1,45 m), thì những vụ tai nạn ở điểm băng cắt với đường dân sinh như thế luôn khiến toa tàu bị hất văng khỏi đường ray, và chấn thương cho hành khách là không thể tránh khỏi. Đã tới lúc ngành đường sắt phải có một dự án tổng thể để giải quyết tất cả các đường băng cắt gọi là “đường dân sinh” băng ngang đường sắt. Dĩ nhiên, dự án này sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng không thể không làm. Không thể để tình trạng tai nạn đường sắt cứ xảy ra một cách không thể tránh khỏi như thế.

Cũng không có “giải pháp tình thế” nào có thể hạn chế tình trạng tai nạn này, trừ một giải pháp đồng bộ và nhất quán: Các đường băng cắt “dân sinh” phải tuyệt đối an toàn khi băng ngang đường sắt, và đường sắt phải được bảo vệ để biệt lập hoàn toàn, nhằm đảm bảo không có tai nạn xảy ra khi đoàn tàu vận hành với những tốc độ khác nhau.
  

Thanh Thảo
 


.