10 sự kiện năm 2014 của Quảng Ngãi

07:01, 01/01/2015
.

1. Kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh (1.7.1989  - 1.7.2014) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã phát triển toàn diện và mang một diện mạo mới. Quảng Ngãi trở thành tâm điểm về phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm duyên hải miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây…
 
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh N.Triều
Ghi nhận sự nỗ lực và thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi, nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch Nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Ngãi.

2. Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm các nhân vật lịch sử của tỉnh

Trong năm 2014, tỉnh ta đã tổ chức Lễ tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (1864-2014); 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm (1904 – 2014) –  Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh; 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Thái Ất (1894-2014) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thành Nghi (1914-2014) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấu (1904 -2014)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chánh (1914-2014)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.   Ảnh: V.X
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: V.X

Cũng trong năm 2014, tỉnh ta đã triển khai sâu rộng đợt sinh hoạt chính trị trong tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và trong nhân dân nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung đợt sinh hoạt chính trị gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3. Khánh thành Dự án cấp điện từ hệ thống điện Quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm.

Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 678 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách cấp 85% và vốn ngành điện 15%. Quy mô gồm gần 9km đường dây trên không; hơn 26km đường cáp ngầm xuyên biển; gần 16km đường dây trung hạ áp; 15 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 3.330kVA.
Kéo cáp điện ngầm ra đảo Lý Sơn.
Kéo cáp điện ngầm ra đảo Lý Sơn.
Dự và phát biểu tại lễ khánh thành vào ngày 28.9.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và mong muốn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khai thác, sử dụng tốt nguồn điện quốc gia để phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng…  đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài ra, trong năm 2014 Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển huyện đảo Lý Sơn, quy tụ hàng trăm nhà quản lý, khoa học tham dự Hội thảo.

4. Điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính TP. Quảng Ngãi

Ngày 25.3.2014, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 123/NQ-CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa để mở rộng địa giới hành chính TP. Quảng Ngãi và thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố  Quảng Ngãi. Sau điều chỉnh địa giới hành chính, TP. Quảng Ngãi có 16.015,34ha diện tích tự nhiên (tăng 4,3 lần), 260.252 nhân khẩu (tăng 2,2 lần) và 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 14 xã. Trong đó, phường Trương Quang Trọng được thành lập trên cơ sở toàn bộ 926,40ha diện tích tự nhiên và 14.148 nhân khẩu của thị trấn Sơn Tịnh. Việc điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính TP.Quảng Ngãi về phía bắc và phía đông là phù hợp với xu thế phát triển đô thị hướng về biển, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

5. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Cuộc triển lãm do  Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Triển lãm trưng bày 100 bản đồ và hơn 60 tư liệu là những bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ các nhà nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có cả các học giả Trung Quốc. Các tư liệu cho thấy các nhà Nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, đến hiện nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền Quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử.

6. Đề nghị công nhận khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; đô thị Vạn Tường đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Trung tâm thị trấn Đức Phổ. Ảnh: Đ.L
Trung tâm thị trấn Đức Phổ. Ảnh: Đ.L

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết Đề án phân loại khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng, huyện Đức Phổ, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và  Đề án công nhận đô thị Vạn Tường, huyện Bình Sơn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Tổng số điểm về chức năng đô thị; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng; kiến trúc, cảnh quan đô thị của đô thị Đức Phổ đạt 82,2/100 điểm; đô thị Vạn Tường đạt 78,5/100 điểm.

7. Thu ngân sách vượt 11,3% dự toán HĐND tỉnh giao

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Ngãi trong năm 2014 ước đạt 28.069 tỷ đồng, vượt 11,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong năm 2014 Quảng Ngãi phải đối mặt với nhiều khó khăn; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động gần 2 tháng để bảo dưỡng định kỳ, ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Vì vậy kết quả thu ngân sách vượt 11,3% dự toán HĐND tỉnh giao là một thành quả lớn của Quảng Ngãi.
Công ty Cp Đường Quảng Ngãi là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn của tỉnh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bia chai của công ty.                                 Ảnh: Đ.L
Công ty Cp Đường Quảng Ngãi là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn của tỉnh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bia chai của công ty. Ảnh: Đ.L
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu của tỉnh vượt cao so với kế hoạch đề ra (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD, tăng 27,8% so với năm 2013 và vượt 36,8% kế hoạch), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch (giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2014 ước đạt 3.294,79 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2013 và đạt 100,3% kế hoạch năm).

8. Điện Trường Bà được xếp hạng Di tích Quốc gia

Điện Trường Bà tọa lạc tại thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, nằm bên trục lộ Trà Bồng - Tây Trà cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 52km về phía tây bắc. Điện Trường Bà được  Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 9.5.2014. Điện Trường Bà là một di tích văn hóa độc đáo với sự giao thoa tín ngưỡng giữa các dân tộc Kinh, Cor, Hoa và dân tộc Chăm… Theo sách Đại Nam Nhất thống chí (quyển VIII, phần tỉnh Quảng Ngãi), đền Trường Bà (đồng bào Kinh và Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà vẫn hay gọi là Điện Trường Bà) là 1 trong 17 đền, miếu tiêu biểu của Quảng Ngãi.

Ngoài ra, một sự kiện đáng chú ý trong lĩnh vực văn hoá năm 2014 là UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế: “Khảo cổ dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển”. Hội thảo có sự tham gia của 170 đại biểu trong nước và quốc tế, đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ.

9. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đứng thứ 6 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã lọt vào tốp 10 và xếp hạng thứ 6 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đó là kết quả công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet thực hiện.
 

 

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PHÙNG CĂN
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PHÙNG CĂN

Năm 2014, BSR đã nhập 81 chuyến dầu thô với khối lượng 6,4 triệu tấn, đạt 119% kế hoạch năm. Tổng sản lượng sản xuất của Công ty đạt 5,81 triệu tấn, vượt gần 1 triệu tấn, đạt 120% kế hoạch; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 5,85 triệu tấn; doanh thu đạt gần 128.000 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước trên 23.000 tỷ đồng, đạt 191% kế hoạch năm. Năm 2014 cũng là năm đánh dấu thành công khi Công ty hoàn thành bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu lần 2, vượt tiến độ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên  8,5 triệu tấn/năm. Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu sẽ tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh những năm đến.

10. Cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Trong năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực để cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi,  Quốc lộ 24 và Dự án VSIP Quảng Ngãi. Đây là những dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
 

 

Phối cảnh đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.                Ảnh: N.T
Phối cảnh đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: N.T


(Sự kiện do Báo Quảng Ngãi bình chọn)

 


.