Cần "giảm nhiệt" đất rừng

10:12, 08/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ khiếu kiện đất rừng của 43 hộ dân ở hai thôn Kim Thành và Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) đang được các cấp chính quyền tập trung xử lý. Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với gần 100 hộ dân ngay tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên.

Sự việc ở Hành Dũng không có gì to tát, nếu được xử lý rốt ráo ngay từ đầu. Lẽ ra, khi xảy ra tranh chấp đất, các bên liên quan phải cùng nhau ngồi lại giải quyết, tránh để sự việc tích tụ lâu ngày, âm ỉ  hơn cả chục năm để rồi bùng phát thành “điểm nóng”. Xảy ra sự việc ở Hành Dũng là điều đáng tiếc.  Song qua câu chuyện của Hành Dũng, hẳn nhiều địa phương có đất rừng sẽ rút ra được bài học.

Thực tế, nhiều năm trước đây, để có đất sản xuất nhiều hộ dân đã tự phát khai hoang vỡ hóa đất rừng, không xin phép chính quyền. Ngoài ra, còn có nhiều  trường hợp người dân được giao đất, giao rừng hẳn hoi nhưng do điều kiện, khả năng canh tác, cũng như hiệu quả sản xuất không như mong đợi nên họ bỏ đất hoang, hoặc chuyển nhượng cho người khác.

Chuyện đất rừng chỉ “nóng” lên khi những năm gần đây, thị trường xuất khẩu dăm gỗ, nguyên liệu giấy… trở nên sôi động, đất rừng trở nên có giá. Khi nhu cầu sử dụng đất của người dân tăng nhanh việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các hộ dân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức có xu hướng gia tăng. Chỉ trong hơn 2 năm qua, tính riêng trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ đã xảy ra 229 vụ, huyện Trà Bồng 212 vụ tranh chấp đất rừng…Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và ảnh hưởng đến khối đoàn kết cộng đồng mà còn dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động…

Bên cạnh những mặt tích cực thì công tác quản lý nhà nước về đất rừng, giao đất, giao rừng ở các địa phương thực hiện chưa chặt chẽ, có nơi còn lơ là, chủ quan, có nơi còn buông lỏng. Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tích tụ đất rừng của nhiều cá nhân, trong đó có cả một số cán bộ, đã gây ra sự phản cảm trong dư luận, sự bức xúc của người dân, nhất là đối với những hộ dân thiếu đất sản xuất.

Xử lý tranh chấp đất rừng tích tụ nhiều năm hẳn là chuyện không dễ. Thế nên cần phải có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan. Theo quy định của pháp luật, đất của  người dân tự phát khai hoang, vỡ hóa không có giá trị về mặt pháp lý. Nhưng trong quá trình xử lý, cần những tính toán thấu đáo đến những trường hợp tham gia khai hoang, vỡ hóa đất rừng để xử lý thấu tình, đạt lý. Cũng cần tập trung xác định rõ đối tượng, trình tự cấp đất trong thời gian vừa qua, đồng thời rà soát lại số diện tích đất rừng cấp không đúng đối tượng, thiếu công bằng, để phân phối lại thật hợp lý cho những hộ dân có nhu cầu sản xuất đất rừng.  

Song song với việc xử lý các tranh chấp, các cấp, ngành cần nâng cao trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp hữu hiệu về quản lý đất đai và bảo vệ phát triển rừng. Rà soát, đánh giá sát đúng tình hình quản lý, sử dụng đất và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng sản xuất đã giao cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đất rừng phải sớm có chủ. Do vậy cần phải sớm hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Việc giao đất phải dựa trên năng lực tổ chức sản xuất của từng tổ chức, từng cá nhân. Song  không để tình trạng người dân không có hoặc thiếu đất sản xuất, tránh trường hợp “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Trong xã hội thượng tôn pháp luật, người dân phải được thông tin, được hiểu việc quản lý, khai thác đất rừng phải tuân theo các quy định của pháp luật về đất đai. Do vậy, khi cấp đất rừng cho tổ chức, cá nhân để trồng rừng nguyên liệu, chính quyền địa phương phải thông tin đầy đủ đến người dân. Ngược lại, với người dân khi phát sinh tranh chấp cũng phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo đúng quy trình, đúng luật  định, tránh trường hợp như xảy ra  ở Hành Dũng.

Hoàng Triều
 


.