Nhiều băn khoăn về phát triển thủy điện

10:11, 18/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển thủy điện bước đầu đem lại nguồn lợi đáng kể cho Quảng Ngãi, nhưng cũng từ đó phát sinh nhiều nỗi lo vì ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Hội thảo khoa học Nghiên cứu, đánh giá tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội của thủy điện trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Môi trường – Tài nguyên và Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam tổ chức vào ngày 14.11 cũng đã  cho thấy phần nào điều này.

TIN LIÊN QUAN

 

PGS.TS Cao Đình Triều (ảnh) cho rằng: “Quảng Ngãi nên đánh giá lại các công trình thủy điện, khâu nào chưa tốt cần phải nhanh chóng khắc phục. Trên các dòng sông dự kiến xây dựng thủy điện thì cần đánh giá lại mức tác động tổng thể chứ không phải đánh giá tác động của một thủy điện trên dòng sông đó, kể cả vấn đề xả lũ mùa mưa, tích nước mùa khô, động đất, gây trượt lở thế nào cũng cần xem xét. PGS,TS Cao Đình Triều cũng khuyến cáo: Cần lấy bài học từ thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), bài học từ trận động đất 2 độ richter ở thủy điện Đắkđrinh vào giữa tháng 4 vừa qua để nghiên cứu, tính toán kỹ vấn đề động đất kích thích sau khi vận hành, tích trữ nước ở các thủy điện để có biện pháp phòng ngừa.

Hai thủy điện có nguy cơ gây động đất kích thích cao.

Quảng Ngãi hiện có 4 công trình thủy điện đang hoạt động, 2 công trình đang xây dựng và 5 công trình có kế hoạch xây dựng. Ông Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết: Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi mời nhóm tác giả Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng, liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam và Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)... nghiên cứu những tác động của thủy điện là quan trọng và cần thiết. Bởi nhờ đó việc xây dựng công trình mới bền vững, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân trong khu vực, tạo tiền đề để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 Trong 8 tháng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đo đạc,  và tiến hành thăm dò ý kiến người dân trong vùng thủy điện. Theo đó, nhóm đã thực hiện 9 khảo sát và đo đạc liên quan động đất kích thích, với tổng diện tích 470 km lộ trình tại 36 điểm khảo sát gộp, đo 63 điểm khe nứt; trong đó tập trung các điểm thủy điện Đăkdrinh (Sơn Tây), dọc theo vết đứt gẫy sông Trà Bồng, sông Liêng và sông Re.

Đoàn cũng đã thực hiện đo bằng Radon tại 122 điểm, tập trung ở khu vực đứt gẫy Đăkđrinh – Sơn Tinh (Sơn Tây), sông Trà Bồng, sông Liêng (thuộc địa phận Giá Vực - Ba Tơ). Qua đó nhóm nghiên cứu đã nhận định: Thủy điện Nước Trong (Sơn Tây); Hà Nang (Trà Bồng) nằm trong vùng nhạy cảm động đất kích thích cao nhất, thứ đến là thủy điện Cà Đú và Sông Riềng (Tây Trà). Chất lượng nước xung quanh khu vực các nhà máy thủy điện đang hoạt động bị ô nhiễm bởi Coliform và trong số 7 dự án nằm trong quy hoạch xây dựng thủy điện của tỉnh cũng có ảnh hưởng mức trung bình và thấp.   

Những băn khoăn từ địa phương

Mặc dù bất kỳ dự án thủy điện nào trước khi xây dựng cũng có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có đề cập đến các vấn đề hỗ trợ, di dân, tạo công ăn việc làm, trồng bù diện tích rừng phòng hộ đã phá đi. Nhưng trong quá trình xây dựng và thậm chí sau khi thủy điện đi vào vận hành vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Chưa kể thủy điện Đăkđrinh xảy ra một số trận động đất khoảng 2 độ richter vào giữa tháng 4.2014 vừa qua làm người dân lo ngại.

Cũng theo nhóm nghiên cứu thì  nhiều người dân ở các các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Tây Trà, Bình Sơn cho rằng, thủy điện ảnh hưởng nhiều đến cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường, diện tích rừng bị thu hẹp,  một số vùng người dân tái định cư thiếu đất sản xuất; nhà tái định cư không phù hợp với phong tục tập quán của người dân.

Cũng từ đó nhiều người dân nằm trong khu vực dự án thủy điện ở Sơn Hà  cho rằng, không nên xây dựng quá nhiều thủy điện, mà cần đầu tư trọng điểm, không đầu tư tràn lan. Đồng thời yêu cầu thủy điện xả nước vào mùa khô để tưới tiêu. Người dân Trà Bồng thì kiến nghị nên kiểm tra, sửa chữa các thủy điện để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường, nên có lịch trình xả lũ phù hợp để tránh tổn thất tài sản, mùa màng của bà con. Nhiều ý kiến ở vùng hạ lưu Bình Sơn thì yêu cầu nên xây dựng đập kiên cố, điều tiết nước hợp lý, tránh lũ ở hạ lưu.

Ông Lê Mỹ Liên – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Để phát triển thuỷ điện bền vững trên địa bàn tỉnh, cần có những định hướng quy hoạch phát triển thủy điện một cách hợp lý, kiểm soát điều tiết việc xả lũ tại các hồ chứa nước thủy điện một cách khoa học; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa của các thủy điện một cách tối ưu nhất; cần thiết lập ban theo dõi và hỗ trợ khi thuỷ điện vận hành. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Ký quỹ tái định canh, định cư và trồng rừng tái tạo,…
 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.