Sắp xếp lại "chỗ ngồi"

02:10, 29/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh khẩn trương tiến hành rà soát, xác định rõ chức danh, vị trí việc làm đối với từng công chức, viên chức.

Trên cơ sở đó, xây dựng lại Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và xây dựng lại Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành, địa phương, đơn vị đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và không vượt tổng số biên chế công chức hành chính đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hồi cuối năm 2013, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.11.2014.

Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe khái niệm “ngồi nhầm ghế”, nghĩa là có những cán bộ quản lý, năng lực rất hạn chế, nhưng vì nhiều lý do khác nhau lại ngồi ở vị trí lãnh đạo, để rồi kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy trong việc quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị, bộ phận mà người đó phụ trách.

Xây dựng lại Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và xây dựng lại Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành, địa phương, đơn vị là cách sắp xếp lại để cho nhiều công chức hiện nay khỏi “ngồi chơi xơi nước”, đợi đến tháng nhận lương. Số viên chức này không phải “ngồi nhầm ghế”, họ vẫn ngồi đúng chiếc ghế mà tổ chức đã sắp xếp cho họ, song rất nhiều người chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Có những vị trí, lẽ ra chỉ cần 1 người nhưng lại “bố trí” đến 2-3 người, nên viên chức không biết làm gì ngoài việc “buôn dưa lê”, có khi tranh thủ shoping, đi chợ, hoặc chúi mũi vào máy tính để chơi games hoặc vào mạng “chém gió” trên facebook. Ngược lại, có những vị trí, viên chức đảm nhận “chỗ ngồi” ấy, làm không hết việc. Có người “thở không ra hơi”, suốt ngày quần quật mà việc vẫn không hết.

Sở dĩ có những hiện tượng trái khoáy trên là do người đứng đầu các cơ quan, nhất là các cơ quan hành chính sự nghiệp đã không tuân thủ theo nguyên tắc “người nào việc nấy” hoặc “mỗi người một việc”. Điều này rất khác với cách bố trí người của các doanh nghiệp. Anh/chị ấy được ngồi ở chỗ thu ngân thì hẳn là không thể “buôn dưa lê” hoặc “tranh thủ shoping” được rồi. Từ chỗ không tuân thủ theo những nguyên tắc nói trên nên biên chế ngày một phình to, lương thì vẫn ba cọc ba đồng, không đủ sống mà công việc thì chỗ thì đùn lên, nơi thì không biết làm gì cho hết thời gian.

Tiến hành rà soát, xác định rõ chức danh, vị trí việc làm đối với từng công chức, viên chức để xây dựng lại Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan… là việc làm hết sức cần thiết lúc này. Nó sẽ giúp cho các cơ quan làm việc hiệu quả hơn, đồng thời bản thân mỗi viên chức cũng thấy rằng mình không phải “người thừa”, đợi đến tháng nhận lương như lâu nay. Một cỗ máy chạy tốt khi mỗi bộ phận đều hoạt động hết công suất của mình.

Trần Đăng
 


.