Di sản văn hóa dưới nước

01:10, 15/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi khai quật con tàu cổ bị đắm từ nhiều thế kỷ trước tại vùng biển thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn) gần hai năm trước đây, nhiều người chợt nhận ra rằng, trong lòng biển xanh thẳm kia vẫn đang chứa đựng những bí ẩn đầy hấp dẫn cần phải được khám phá. Từ bây giờ, bên cạnh những di sản văn hóa “trên bờ” mà cha ông ta đã cất công tạo dựng và gìn giữ từ nhiều thế hệ qua, nay ta có thêm di sản văn hóa dưới nước nữa.

TIN LIÊN QUAN

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra liền hai văn bản chung quanh câu chuyện “di sản văn hóa dưới nước” này.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở VH-TT và DL phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ các di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển hai huyện Bình Sơn và Lý Sơn, đặc biệt là những vị trí phát hiện tàu cổ bị đắm và cổng tò vò dưới nước ở rạn san hô gần đảo Lý Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho hai huyện nói trên cần tăng cường tuyên truyền trong nhân dân không được khai thác trái phép cổ vật từ các con tàu đắm hoặc có những việc làm gây ảnh hưởng đến hiện trạng các di sản văn hóa dưới nước. Văn bản thứ hai là UBND tỉnh vừa phê duyệt phương án khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Vũng Tàu, xã Bình Châu (Bình Sơn), bắt đầu từ ngày 1.10 đến 19.10.2014.

Qua các cuộc thăm dò, khai quật các con tàu cổ bị đắm tại vùng biển huyện Bình Sơn cùng với những gì thu lượm được từ các cuộc khai quật này đã hé lộ nhiều thông tin lý thú về một con đường giao thương trên biển khá tấp nập từ nhiều thế kỷ trước. Nó chứng tỏ rằng, từ thuở xa xưa, cha ông chúng ta đã xem Biển Đông như một lối mở để đất nước tiếp cận với thế giới bên ngoài, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông không chỉ trên lĩnh vực giao thương mà cả ở lĩnh vực quốc phòng nữa. Vì vậy, di sản văn hóa dưới nước không chỉ là những hiện vật được khai thác từ những con tàu cổ bị đắm mà thông qua đó chúng ta có thể vẽ một tấm bản đồ từ trong ký ức về chủ quyền biển đảo quốc gia từ những chuyến hải hành xuyên đại dương của các con tàu cổ.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học đã chọn Quảng Ngãi để tổ chức cuộc hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” diễn ra từ ngày 15-16.10. Đây cũng sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Ngãi có dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về những tiềm năng di sản văn hóa dưới nước (kể cả di sản văn hóa)  trên cạn của mình. Hy vọng qua cuộc hội thảo lần này, ngành khảo cổ dưới nước của Việt Nam cũng như các nhà nghiên cứu khảo cổ trong tỉnh có dịp tiếp cận với phong cách nghiên cứu hiện đại để áp dụng vào tình hình thực tế của Việt Nam cũng như của Quảng Ngãi trong việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa dưới nước của địa phương.

TRẦN ĐĂNG
 


.