Ý thức người dân

01:08, 07/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một số công trình nước sạch không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí một lần nữa lại được “hâm nóng” tại phiên họp của HĐND tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng này, từ chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng… Ở đây tôi chỉ đề cập đến khía cạnh nhỏ, đó là ý thức của người dân.

Những năm qua, nhiều công trình dân sinh cho đồng bào miền núi được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn, nhiều chương trình khác nhau. Theo báo cáo của UBND tỉnh thì, trong giai đoạn 1994-2013, trong tổng số công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân đã được đầu tư xây dựng, qua rà soát, thanh tra gần 500 công trình thì số công trình hoạt động bình thường chiếm hơn 41%, trên 27% công trình hoạt động một phần, còn lại gần 30% công trình ngưng hoạt động... Tổng số vốn đầu tư cho các công trình trên 278 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn 106 xã, thuộc 13 huyện (trừ TP.Quảng Ngãi), song cấp nước mới đạt trên 50% so với thiết kế (mới có 127 nghìn người hưởng lợi từ các công trình này).

Như vậy có thể thấy, có đến gần 60% công trình sau khi bàn giao, đưa vào hoạt động, vận hành phát huy hiệu quả thấp, thậm chí đã xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Mà một trong những nguyên nhân là ý thức của người dân vùng trực tiếp hưởng lợi từ các dự án.

Đi qua những công trình nước sạch đã được đầu tư, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về ý thức bảo vệ, về trách nhiệm cộng đồng trong việc phát huy, duy tu, bảo dưỡng công trình để phục vụ chính nhu cầu của mình. Chỉ những việc nhỏ nhặt như một chiếc rô-mi-nê bị mất, hay một đoạn ống nước bị vỡ... nhưng do là “cha chung nên không ai khóc”. Chính việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa không kịp thời, thiếu trách nhiệm là nguyên nhân dẫn đến công trình có suất đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp, không thể sử dụng được. Nếu tính bình quân mỗi công trình có suất đầu tư trên dưới 500 triệu đồng thì chúng ta đã lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho chuyện nước sạch.

Nói đến ý thức người dân, bởi ở một số nơi khi người dân vùng hưởng lợi biết cộng đồng trách nhiệm thì câu chuyện lãng phí sẽ không xảy ra. Những người dân ở xóm Thác, thôn Ka La, xã Sơn Linh (Sơn Hà) là một ví dụ.

Công trình nước sạch tại xóm Thác được đầu tư xây dựng khoảng 400 triệu đồng từ dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng”. Đến nay ngót chục năm, nhưng nó vẫn hoạt động rất tốt, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 80 hộ dân nơi đây. Theo những người đứng đầu thôn Ka La thì, công trình nước sạch này được giao cho 2 người quản lý, bảo vệ. Nếu phát hiện người nào làm hư hỏng đường ống, nước không dẫn về được là họ nhanh chóng tổ chức họp xóm để thông báo và buộc người làm hư hỏng phải bỏ tiền ra để sửa chữa. Còn nếu vì lý do “bất khả kháng” thì sẽ dùng tiền của chính người dân tự đóng góp để sửa chữa, với mức quy định chung, mỗi tháng mỗi hộ đóng 5 nghìn đồng. Vì thế mà ai cũng có ý thức trong việc giữ gìn công trình hữu dụng này.

Nêu chuyện của Ka La để thấy rằng vai trò của người dân là không thể xem nhẹ trong đầu tư, phát huy hiệu quả công trình. Do vậy, cần phải tham vấn dân, “xây” cho được ý thức người dân để mỗi đồng vốn đầu tư mang lại hiệu quả thiết thực, mà lúc này cần lắm “vai trò” của chủ đầu tư dự án và những người trực tiếp, gần dân thường xuyên là đội ngũ cán bộ thôn, xã.

Hoàng Triều
 


.