Tư duy công nghiệp

03:08, 18/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận điều chỉnh cục bộ phần diện tích đất khoảng 260ha thành đất công nghiệp để chủ đầu tư đáp ứng triển vọng thu hút các ngành công nghiệp nhẹ vào khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý ngay.

Và Bộ trưởng đã chỉ đạo các Vụ, Viện liên quan của Bộ Xây dựng phải vào ngay Quảng Ngãi để phối hợp với địa phương sớm điều chỉnh quy hoạch để cho chủ đầu tư có quỹ đất công nghiệp phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nhẹ theo nhu cầu của chủ đầu tư.
 

 

Theo quy hoạch chung xây dựng thì “phần đất kiến nghị chuyển đổi” là đất cây xanh, đất sinh thái công nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, đất mặt nước, đất ở nông thôn ở khu VSIP Quảng Ngãi. Trong khi nhiều ý kiến còn băn khoăn thì Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ chính kiến, “ở những nơi có thể và điều kiện để phát triển công nghiệp thì ưu tiên cho công nghiệp cần được đặt lên trên. VSIP Quảng Ngãi có thời cơ, có lợi thế phát triển, là động lực cho phát triển công nghiệp thì không cớ gì không tập trung tạo điều kiện để nhà đầu tư đầu tư hạ tầng kêu gọi phát triển công nghiệp”.

Để tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Nhưng không phải làm công nghiệp bằng mọi giá, để rồi phải đánh đổi những hậu quả về ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội… Tuy nhiên, ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn như VSIP làm lâu nay ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng là điều nên tính toán.

Thêm một yếu tố để ưu tiên phát triển công nghiệp. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Tái cơ cấu không chỉ nhằm tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành nông nghiệp, mà những sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần tích cực vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, việc dôi dư lao động ở khu vực nông nghiệp là điều khó tránh khỏi. Vì thế, cần tập trung phát triển công nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm.

Theo các chuyên gia kinh tế, 1ha đất lúa giải quyết việc làm cho 2-3 lao động nhưng 1ha đất công nghiệp bình quân giải quyết việc làm cho 50-55 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Rõ ràng phát triển công nghiệp sẽ chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Thực tế, nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong những năm qua mà cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2013 cơ cấu công nghiệp – xây dựng tăng lên 63,83%, dịch vụ 20,88%, còn lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 15,29%. Cơ cấu lao động theo đó cũng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động công nghiệp, dịch vụ. Từ một tỉnh có tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp và thủy sản là chủ yếu, chiếm trên 76,15% (năm 1996) đã giảm xuống dưới 50% vào năm 2013; lao động phi nông nghiệp chiếm trên 50% trong tổng số lao động.

Ưu tiên phát triển công nghiệp để đến năm 2020 tỉnh ta cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Vấn đề là, chúng ta cần tập trung phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao để tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Hoàng Triều
 


.