Người giúp việc

10:08, 11/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chương trình thi “Vua đầu bếp” trên VTV3 tuần qua, tôi để ý một thí sinh đặc biệt. Chị 42 tuổi, tự khai mình làm nghề giúp việc cho người nước ngoài từ mười mấy năm nay, giờ muốn tham gia cuộc thi. Có lẽ ban giám khảo ban đầu cũng hơi ngạc nhiên về nghề nghiệp và thân phận của chị, nên muốn hỏi thêm. Chị ấy đã thông tin thêm, rằng mình tốt nghiệp đại học từ năm 1995, và sau đó, đi làm nghề giúp việc cho các gia đình người nước ngoài tới nay.

Chị nói thêm, nhờ đi làm nghề này, mà chị tích hợp được nhiều kiến thức về ẩm thực của nhiều quốc gia và mấy châu lục mà những gia đình người nước ngoài có quốc tịch. Chị trình lên ban giám khảo một món ăn rất đặc biệt: Sò điệp “cài cắm” vào củ cải và hấp. Món ăn được trình bày rất bắt mắt, pha trộn giữa cách trình bày món ăn truyền thống Việt với món ăn ngoại quốc, nhưng tinh tế và hài hòa. Cả ban giám khảo sau khi nếm thử món ăn của chị “người giúp việc” đều ồ lên, chắc là khen. Và tất cả họ đều đồng ý cho chị vào tiếp vòng thi sau.

Phần tôi là người xem, tôi rất xúc động vì đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một người giúp việc-dù là giúp việc cho người nước ngoài-tham gia một kỳ thi trên truyền hình với một sự tự tin và hoàn toàn không một chút mặc cảm nào về nghề nghiệp của mình. Cái nghề mà ở ta hay gọi một cách xếch mé là nghề “ô-sin”-hàm ý là người đi ở, dĩ nhiên không phải hàm ý tôn trọng. Gọi như thế, theo tôi, chứng tỏ người mình “rất có vấn đề” về văn hóa, nếu không nói là trình độ văn hóa thấp. Giúp việc, dù giúp việc cho người trong nước hay người nước ngoài, là một nghề, một nghề đàng hoàng. Nó không thua kém bất cứ nghề nào khác, kể cả nghề làm quan chức. Hồi xưa, thời phong kiến người ta gọi người đi làm nghề này là “đầy tớ”.

Đầy tớ, chính là người giúp việc, và bây giờ không ai dùng từ “đầy tớ” một cách miệt thị như thế nữa. Vậy, có nên gọi những người giúp việc là “ô-sin”, dù tên đó bắt nguồn từ tên một nhân vật cô gái nghèo đầy bản lĩnh trong một bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật? Trở lại với chị giúp việc đã tham gia cuộc thi “Vua đầu bếp”. Chị là người có học, có văn hóa, nhưng sẵn sàng chấp nhận làm nghề mà người ta gọi là “ô-sin” để kiếm sống nuôi con.

Tôi nghĩ, với trình độ của một người giúp việc giỏi như chị, thu nhập của chị là tốt, thậm chí rất tốt. Và chị tự hào với nghề nghiệp của mình. Hơn cả tự hào, chị đã biết tranh thủ học, tích hợp, lấy cơ hội từ nghề này để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng thực hành ẩm thực của mình. Kiến thức ẩm thực của chị là phong phú, vì chị am hiểu món ăn của nhiều quốc gia, nhiều châu lục khác nhau, và chị đã áp dụng hằng ngày những kỹ năng nấu nướng ấy khi phục vụ cho các gia đình nhà chủ. Một khi chị đã nấu ăn ngon và tinh tế, đầy văn hóa thì chủ nhà dù thuộc quốc tịch nào lại không quý trọng, thậm chí kính trọng một “ô-sin” như thế?

Tại sao chúng ta lại coi thường một nghề cao quý như nghề giúp việc? Và tại sao những người làm nghề này không phấn đấu để vươn lên thành “người giúp việc siêu hạng”, như nhà chị đã tham gia chương trình “Vua đầu bếp”, và đã ngẩng cao đầu vào vòng sau, trong khi nhiều thí sinh khác bị loại?    

Thanh Thảo  
 


.