Liên kết vùng, giải pháp hữu hiệu phát huy sức mạnh tổng hợp vùng

08:08, 15/08/2014
.

Ngày 15/8/2014, Ban kinh tế Trung ương, Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp chủ trì tổ chức “Diễn đàn kinh tế miền trung - giải pháp huy động sức mạnh miền trung trong giai đoạn mới”. Đồng chí Lê Viết Chữ – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tham dự và phát biểu trong Diễn đàn này. Báo Quảng Ngãi điện tử xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu này.

Kính thưa toàn thể Quý vị đại biểu tham dự Hội nghị,

Mục tiêu của diễn đàn kinh tế miền Trung là thảo luận, thống nhất các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp vùng duyên hải miền Trung; mang lại lợi ích kinh tế, xã hội bền vững cho từng tỉnh và cả vùng. Tại Diễn đàn này, tỉnh Quảng Ngãi xin trình bày tham luận với chủ đề “Liên kết vùng, giải pháp hữu hiệu phát huy sức mạnh tổng hợp vùng duyên hải miền Trung”.

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc trưng chung của các tỉnh trong vùng là có cả vùng núi, trung du, đồng bằng và đều tiếp giáp biển Đông rộng lớn, với tổng chiều dài bờ biển khoảng 1.430 km, chiếm hơn 40% tổng chiều dài bờ biển của cả nước; có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng đã trở thành điểm tham quan, du lịch nghỉ hưởng yêu thích của du khách trong và ngoài nước như biển Lăng Cô, Mỹ Khê, Thiên Đàng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cà Ná, Mũi Né; có nhiều vịnh, đảo đẹp nổi tiếng, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ; đồng thời là tuyến tiền tiêu quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc như quần đảo Hoàng Sa, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bán đảo Phương Mai (Bình Định), vịnh Vân Phong, đảo Hòn Tre và quần đào Trường Sa (Khánh Hòa)…
 

Đồng chí Lê Viết Chữ – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tham dự và phát biểu trong Diễn đàn này
Đồng chí Lê Viết Chữ – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế miền trung - giải pháp huy động sức mạnh miền trung trong giai đoạn mới”.

Khu vực duyên hải miền Trung được dự báo có nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế cao như titan, liti, thiếc, vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá granite, vật liệu xây dựng; vùng thèm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế có các mỏ dầu, khí, băng cháy và nhiều hải sản quý hiếm; có nhiều vị trí thuận lợi để phát triển cảng biển, các dịch vụ hàng hải, có điều kiện tự nhiên để hình thành trung tâm trung chuyển trong khu vực và quốc tế; đến nay, một số cảng biển đã được đầu tư đưa vào sử dụng gồm có 7 cảng loại 1 và 6 cảng loại 2 có khả năng tiếp nhận các du thuyền du lịch và tàu vận tải có trọng tải lớn; có 6 Khu kinh tế và 54 khu công nghiệp, hầu hết các khu kinh tế ven biển trong vùng được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, có quy mô lớn, hiện đại và bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, gồm Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Sự khác biệt, phong phú về văn hóa, phong tục, tập quán của nhiều dân tộc trong vùng là một đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn của vùng. Vùng còn có nhiều hoạt động lễ hội, công trình, di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu; đặc biệt, có đến bốn di sản văn hóa thế giới được Unessco công nhận, gồm Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc Cung Đình Huế, Phố cổ Hội An và Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ngoài ra còn có nhiều hoạt động và công trình văn hóa nổi tiếng như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội đền trường bà ở Quảng Ngãi, đền tháp Pabagar Nha Trang, nhiều di tích tháp Chàm ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngư dân nhiều tỉnh trong khu vực có truyền thống, kinh nghiệm quý trong bám biển, đánh bắt hải sản; góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung, đi đầu là thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nền hành chính ngày càng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Đó là tiềm năng và thuận lợi cơ bản của khu vực tạo nên những lợi thế  đặc biệt cho vùng duyên hải miền Trung trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhất là kinh tế công nghiệp, kinh tế biển và du lịch, dịch vụ.

 Tuy nhiên, khu vực vùng duyên hải miền Trung cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn; đó là:

- Điểm xuất phát về kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí thấp; mức độ chênh lệch về kinh tế, dân trí, về cơ hội phát triển giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân tộc là khá lớn. Khu vực miền núi phía Tây của các tỉnh, nơi sinh sống chủ yếu của khoảng 15% đồng bào các dân tộc thiểu số là những huyện nghèo, xã nghèo với số hộ nghèo chiếm trên 80% hộ nghèo cả vùng.

- Do ở xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện đi lại, giao thương hạn chế nên đa số nhân dân trong vùng tính thích nghi, nhạy bén với kinh tế thị trường, với hội nhập còn rất hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, ven biển, hải đảo và miền núi; nhiều nơi còn nặng tư tưởng bao cấp, tự cung tự cấp; chính sách giảm đói nghèo những năm qua có nhiều khiếm khuyết dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của một bộ phận khá lớn người nghèo.

- Do có tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, về tiềm năng trong phát triển công nghiệp, kinh tế biển và du lịch dịch vụ nên dễ dẫn đến sự cạnh tranh về chính sách thu hút đầu tư gây bất lợi cho lợi ích chung của vùng cũng như cho từng tỉnh.

- Hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém chậm được nâng cấp, đầu tư mở rộng; đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí vận tải lớn là một cản trở lớn trong thu hút đầu tư.

- Nguồn lực tài chính và nguồn vốn đầu tư phát triển của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và phòng chống thiên tai của vùng (theo Tuyên bố Hội An ngày 03/6/2014).

 - Lực lượng lao động trong vùng khá dồi dào, giá thành lao động rẻ, nhưng lại hạn chế về tay nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

- Thời tiết, khí hậu không thuận lợi; hàng năm thường xảy ra nhiều trận bão lũ lớn, hạn hán kéo dài phá hủy nhiều công trình hạ tầng kinh tế xã hội, hủy hoại thành tựu phát triển kinh tế xã hội, thành tựu giảm nghèo nhiều năm cộng lại; đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tái nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Diễn đàn lần này là dịp hết sức quan trọng để các tỉnh, thành phố trong vùng xích lại gần nhau hơn, gắn bó và phối hợp chặt chẽ hơn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng duyên hải miền Trung. Với tinh thần đó, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất bảy vấn đề mà tôi nghĩ các tỉnh, thành phố trong vùng có thể chia sẻ để cùng đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ nhất, trên cơ sở các quy định của Trung ương; các tỉnh cần thảo luận, thống nhất một số cơ chế, giải pháp thu hút đầu tư chung cho cả vùng, có tính đến yếu tố lợi thế so sánh, thế mạnh của từng tỉnh, thành phố; mục tiêu là tạo ra môi trường thuận lợi để các địa phương đều có cơ hội phát huy cao nhất các thế mạnh của mình, có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển; tôi nghĩ các địa phương không nên cạnh tranh bằng cách hạ giá, tăng thời hạn thuê đất, ưu đãi về thuế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà cần cạnh tranh bằng các biện pháp xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lức cạnh tranh, cải cách hành chính trong thu hút đầu tư để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi; chuyển từ quan niệm Nhà nước quản lý đầu tư sang hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp;

Thứ hai, phối hợp, ưu tiên vốn đầu tư các công trình giao thông liên vùng như dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1; đường cao tốc, đường ven biển. Phối hợp đầu tư, quản lý, vận hành một số công trình HTKT, HTXH dùng chung như sân bay, cảng biển, bệnh viện, trường học; công trình xử lý môi trường v..v... nhằm giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng vốn.

 Thứ ba, phối hợp thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển; ưu tiên phát triển kinh tế thủy sản theo tinh thần Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời điểm tình hình biển Đông vẫn đang hết sức căng thẳng, mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan HD 981 nhưng vẫn không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có những hành động ngang ngược khác nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Do vậy, Quảng Ngãi cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng cần có biện pháp giúp ngư dân giàu mạnh thông qua việc đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển; tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã; phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá; ưu tiên đầu tư cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng thu nhập cho ngư dân. Đó là cơ sở vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc;

Thứ tư, về phát triển công nghiệp, Quảng Ngãi có khu kinh tế Dung Quất, trong đó có Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia; định hướng phát triển thành trung tâm lọc hóa dầu của cả nước. Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương cho phép mở rộng, nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm; ưu tiên đầu tư dự án khí và các dự án hóa dầu trong Khu kinh tế Dung Quất để phát huy hiệu quả sử dụng cảng biển Dung Quất và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư những năm qua;

 

 

Thứ năm, liên kết vùng trong phát triển du lịch, dịch vụ là một thế mạnh tiềm năng của vùng nhưng lâu nay chưa được chú trọng khai thác. Vùng có nhiều điểm tham quan nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, nhiều lễ hội, công trình văn hóa rất đa dạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng tỉnh, thành phố và cho cả vùng. Các tỉnh, thành phố cần bàn thảo giải pháp liên kết để hình thành các chuỗi sự kiện về du lịch, dịch vụ kết nối và phát huy cao nhất hiệu quả lợi thế này; thay vì quảng bá, giới thiệu lợi thế của từng tỉnh, các tỉnh cùng phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ của cả vùng thì sức hấp dẫn sẽ được gia tăng.

Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đang có chương trình xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch Việt Nam đến cộng đồng trong nước và quốc tế, trong đó trọng tâm là thông qua các kênh truyền thông quốc tế và trong nước để giới thiệu các địa danh, sản phẩm du lịch của từng tỉnh, thành và của cả nước. Tôi nghĩ vùng của chúng ta nên tranh thủ dịp này để giới thiệu, quản bá về du lịch của vùng và sớm hình thành chuỗi liên kết du lịch miền Trung.

Thứ sáu, trong vùng có nhiều Trường Đại học và trung tâm đào tạo lớn có uy tín, chất lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nói chung được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Điều này đòi hỏi các tỉnh, thành cần chỉ đạo các trung tâm đào tạo phối hợp và hỗ trợ thiết thực trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao, có khả năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ bảy, để phát triển một cách bền vững, vùng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai; trong đó cần đặc biệt lưu ý việc quản lý nguồn nước, quản lý an toàn các hồ đập, nhất là các công trình thủy điện; quy hoạch và xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão chung cho khu vực, chú trọng phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Chương trình hợp tác phát triển vùng kể từ khi Ban Điều phối Vùng Duyên hải Miền Trung được thành lập và phát động cho đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, gắn kết được những ý tưởng về chiến lược liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt, qua nhiều hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư, các tỉnh, thành trong vùng đã có những động thái rất tốt cho việc liên kết vùng để phát huy thế mạnh và tạo đà phát triển cho mỗi địa phương.

Quảng Ngãi xem việc liên kết Vùng là một trong những nội dung quan trọng, tạo sức mạnh chung để từ đó các địa phương phát huy lợi thế của mình trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển trong các lĩnh vực có thế mạnh. Tôi hy vọng mối quan hệ hợp tác và sự liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong Vùng Duyên hải Miền Trung ngày càng được phát huy một cách có hiệu quả, góp phần đưa miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, bền vững.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, tôi xin gửi đến Quý lãnh đạo Trung ương và các địa phương, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và toàn thể Quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và thành công.
 


.