Tính trước, bước sẽ qua

08:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bây giờ khoan hãy tính nền kinh tế Việt Nam hiện có phụ thuộc vào Trung Quốc không, và nếu có thì ở mức độ nào. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định nền kinh tế Việt Nam hiện không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế của quốc gia nào khác. Và sau này cũng sẽ như vậy.

Kinh tế thị trường sẽ không đúng nghĩa nếu là kinh tế phụ thuộc. Bởi một khi đã phụ thuộc, thì nền kinh tế thị trường của một quốc gia sẽ vận hành một cách không bình thường, không an toàn, và thường xuyên gặp rủi ro.

Chúng ta chủ trương không phụ thuộc, nhưng phải tính trước những tình huống xấu, thậm chí xấu nhất, có thể xảy ra do quan hệ trong hiện tại với Trung Quốc. Chính phủ, qua cuộc họp trực tuyến với tất cả các tỉnh thành trong nước, đã tính. Và đã trình bày phần cơ bản của sự tính toán này.

Phải tính, và phải công nhận những khó khăn, thậm chí những thiệt hại, nếu “tình huống xấu” xảy ra. Nhưng khi đã tính trước, đã tính được một cách bình tĩnh, không “lạc quan giả tạo” như thế, chúng ta sẽ có những phương án nhằm tháo gỡ, vượt qua thách thức. Cứ coi những “tình huống xấu” trong kinh tế vĩ mô, nếu nó xảy ra, là “những thách thức”, chúng ta sẽ tìm thấy “những cơ hội”, kể cả những cơ hội xuất hiện bất ngờ, và đó là những lối thoát hiện thực cho nền kinh tế ở ngắn hạn. Còn ở trung và dài hạn, thì những định hướng kinh tế của Chính phủ được đặt ra một cách rõ ràng sẽ tiếp tục được thực hiện, dù khó khăn là điều không tránh khỏi.

Tôi nghĩ, nếu không có “vụ giàn khoan Trung Quốc” ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, thì cũng sẽ có những thách thức khác ảnh hưởng tới. Đó là việc chúng ta phải chấp nhận trong chính những hoạt động lúc bình thường của nền kinh tế. Một nền kinh tế không có thách thức, không chịu thách thức là một nền kinh tế thiếu sức sống. Và sẽ rất khó để phát triển.

Dĩ nhiên, khi thách thức về kinh tế xuất hiện ở mức độ toàn cầu hay khu vực thì sẽ khác với khi riêng một nền kinh tế Việt Nam phải chịu tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế song phương với nền kinh tế lớn của một quốc gia lớn khác. Vì thế, không có chuyện lạc quan một cách đơn giản kiểu “nước lên thuyền lên”, nhưng cũng không nên có những ý nghĩ bi quan về sự thiệt hại và khó khăn nếu những tình huống xấu xảy ra. Chấp nhận và hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất, đồng thời năng động tìm lối thoát, kể cả những lối thoát khác cho nền kinh tế, đó mới thực sự là “bản lĩnh Việt Nam”.

Tôi tin vào bản lĩnh Việt Nam, vào khả năng trong “những tình huống xấu”, đất nước chúng ta lại tìm ra hướng phát triển mới, mở ra những cánh cửa mới. “Cái khó, ló cái khôn” là như thế. Người Việt Nam, thường là như vậy, trong những hoàn cảnh khó khăn lại tìm ra những giải pháp tốt. Nhưng tính trước, bước sẽ qua.

Thanh Thảo
 


.