Thận trọng vẫn hơn

04:07, 07/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển dịch và đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp là một trong những chủ trương căn bản giúp người nông dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Do đó, việc mới đây UBND tỉnh đồng ý cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi tiến hành thực hiện các thủ tục để trồng thử nghiệm cây cao su tại huyện miền núi Tây Trà cũng không nằm ngoài chủ trương đó.

Bởi lẽ, trên địa bàn Tây Trà- một trong 60 huyện nghèo nhất cả nước, sau khi tách ra từ huyện Trà Bồng tưởng chừng sẽ vươn lên mạnh mẽ, nhưng rồi vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán: "Người dân vùng sơn cước này thoát nghèo nhanh và bền vững từ cây, con gì?". Đã có rất nhiều mô hình chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt... được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng rồi vẫn không sao nhân rộng ra sản xuất đại trà được.  Nguyên nhân thất bại đã được các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan đưa ra với "1001 lý do", nào là trình độ dân trí thấp, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của đồng bào còn lớn, những tập tục lạc hậu còn ăn sâu trong đời sống thường ngày của người dân, điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, đi lại cách trở.... Tuy nhiên, giải pháp nào để khắc phục thực trạng trên thì vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo từ các cấp chính quyền.

 

Cây cao su phát triển tốt trên đất Tây Trà
Cây cao su phát triển tốt trên đất Tây Trà


Cũng như các huyện miền núi khác trong tỉnh, Tây Trà tuy nằm cách xa trung tâm tỉnh, nhưng đây cũng là địa bàn có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức xã hội, đã có hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được đổi thay, cơ hội để kinh tế phát triển cũng mở ra nhiều hơn, nhưng tốc độ giảm nghèo cho người dân thì chưa đạt như mong muốn.  


Trên địa bàn huyện Tây Trà, diện tích cây lúa nước ít, chăn nuôi thì nhỏ lẻ, người dân sống chủ yếu trông chờ vào cây keo lai, quế, mây, đót... Vì thế, việc đưa cây cao su vào trồng thử nghiệm khoảng 200 ha tại xã Trà Phong và Trà Khê là cần thiết, song chúng ta cũng phải hết sức thận trọng. Bởi vì, cây cao su có những đặc tính không cho phép chúng ta làm theo kiểu áp đặt, duy ý chí, nhất là ở những nơi trình độ dân trí chưa cao. Đó là, thời gian trồng cho đến khi khai thác mủ kéo dài từ 5- 8 năm, ấy là chưa kể đến lúc khai thác nhiều khi sản lượng mủ cho thu hoạch không như mong muốn. Đồng thời, cây cao su có thân giòn, chỉ cần một trận gió lốc nhẹ cũng có thể gây đổ ngả. Mà một khi cây cao su đã bị gãy thì chỉ còn cách chặt làm củi dù đã cất công chăm sóc cây được 5- 6 năm. Vườn cao su ở xã Bình Khương, Bình Nguyên, Bình An,... bị bão năm 1999 làm đổ ngả gây thiệt hại rất lớn cho Công ty TNHHMTV Cao su Quảng Ngãi là một minh chứng.

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế ở tỉnh ta chuyển mạnh sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, song lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong nền kinh tế. Do đó, việc nghiên cứu tìm ra những cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao để phục vụ cho việc sản xuất của người nông dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, bài học về sự thất bại của một số cây trồng trong những năm trước đây, như cây cà phê, cây điều, ca cao, dâu tằm... đòi hỏi chúng ta phải thận trọng hơn.
        
Phú Đức
 

.