Tinh thần thép và tàu vỏ thép

02:06, 15/06/2014
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Hơn một tháng qua, kể từ khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ngang ngược xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chưa lúc nào trên vùng biển Hoàng Sa của nước ta ngơi nguôi những cơn bão vòi rồng từ các tàu hải giám, tàu ngư chính, thậm chí cả tàu quân sự của Trung Quốc. Họ liên tục “thổi” về phía các ngư dân Việt Nam những trận “cuồng phong” không chút chùn tay.

TIN LIÊN QUAN

Nhưng đáng khâm phục thay, nơi vùng biển đầy sóng gió ấy, chưa lúc nào vắng bóng những ngư phủ can trường của chúng ta! Bây giờ, sự có mặt của các ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa đầy bất trắc không còn là chuyện sinh nhai nữa mà đó là hành động xả thân cho sự toàn vẹn của chủ quyền đất nước, dù hiểm nguy từ những hành động vô nhân của Trung Quốc có thể cướp đi mạng sống của các ngư phủ bất cứ lúc nào.

Từ Đà Nẵng, từ Lý Sơn, từ Sa Kỳ và từ hàng chục cửa biển khác dọc miền Trung, mỗi buổi mai vẫn tấp nập thuyền về từ vùng biển Hoàng Sa, vẫn nhộn nhịp những chuyến hải hành trực chỉ vùng biển ấy. Ra Hoàng Sa đối với hàng vạn ngư dân Việt Nam lúc này như một sự tiếp nối những chuyến hải hành của cha ông ta từ hàng trăm năm trước.

Dòng chảy ấy chưa bao giờ ngừng nghỉ dù phải đối mặt với bão tố từ trời hay phải đương đầu với những tham vọng ngông cuồng. Thật cảm động và cũng thật ái ngại thay khi biết rằng, phần lớn những chiếc thuyền của ngư dân Việt Nam ra Hoàng Sa đều là tàu gỗ, công suất nhỏ nhưng phải đương đầu với một đội tàu cả trăm chiếc, to vật vã, được trang bị các loại máy móc hiện đại của phía Trung Quốc. “Đó là biển của mình thì mình sợ gì tàu to và sự hung hăng của tụi hắn!”. Hỏi bất cứ ngư dân nào đã và đang có mặt tại Hoàng Sa về cảm nghĩ của họ khi phải đối mặt với hiểm nguy cũng đều nhận được câu trả lời như vậy.

Nhưng lòng cam đảm, sự xả thân vì nghĩa lớn của ngư dân lúc này chưa đủ để đảm bảo một cách vững chắc về chủ quyền biển đảo, mà tinh thần thép của họ phải được sự bao bọc của những con tàu bằng thép.

Nhìn con tàu gỗ nhỏ nhoi của 10 ngư dân Đà Nẵng bị chìm dần sau cú đâm trực diện của tàu Trung Quốc mới thấy hết sự cần thiết của việc trang bị lại đội tàu cho ngư dân chúng ta. 30.000 con tàu vỏ thép sẽ được đóng mới từ nay đến năm 2020 để hỗ trợ ngư dân bám biển- thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa gửi đến ngư dân mới đây đã thành liều thuốc trợ lực cho hàng vạn người con ngày đêm bám biển. 25.000 tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ cũng sẽ được thay dần bằng tàu vỏ thép trong tương lai gần.

Không chỉ dừng lại ở những hô hào suông, mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy đà đóng thí điểm 6 tàu vỏ thép, hiện đã bàn giao 3 tàu. Ngư dân Mai Thành Văn, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi, chủ con tàu “trong mơ” này vừa có phiên biển dài ngày trở về đã tỏ ra phấn chấn. Những gì mà ông gặt hái được từ con tàu vỏ thép ấy đã “nghiệm thu” hộ cho tính ưu việt của nó. Tính hiệu quả của tàu vỏ thép là điều không còn bàn cãi nữa, vấn đề là chỗ, các cơ quan quản lý chương trình “tàu vỏ thép” không nên giẫm lên vết xe đổ của chương trình đánh bắt xa bờ dạo nào.

“Các bộ, các ngành liên quan cần thảo luận và đưa ra mô hình để ngư dân thấy được hiệu quả và tự nguyện chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép”, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo như vậy. Chuyển đổi và đóng mới hàng chục ngàn tàu vỏ thép bây giờ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân mà còn giúp cho những “công dân can trường” của chúng ta vững tin hơn mỗi khi phải đối mặt với thiên tai và cả nhân tai nữa. “Tinh thần thép” phải được song hành cùng tàu vỏ thép thì mới mong tránh được những tai ương trên biển./.
 


.