Một ý tưởng về quy hoạch thành phố Quảng Ngãi

10:06, 23/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ sau Nghị quyết mở rộng địa giới thành phố Quảng Ngãi được Chính phủ phê duyệt, thành phố Quảng Ngãi giờ đây có diện tích khá lớn. Nhưng đó mới là diện tích đất đai, chưa phải diện tích “thật” của một thành phố. Từ đây tới lúc toàn bộ diện tích đất đai được “phủ” bởi thành phố, thời gian là dài. Vì vậy, ngay từ lúc này, việc quy hoạch thành phố (có diện tích mới) Quảng Ngãi cần được cấp thiết đặt ra. Phải có quy hoạch tổng thể thật tốt, thật hợp lý, thì mới tính đến chuyện mở rộng hay “phủ sóng” thành phố.

TIN LIÊN QUAN

Là một công dân của thành phố Quảng Ngãi, cư trú tại thành phố đã tròn 25 năm, tôi nhận thấy trong những năm gần đây thành phố đang có những chuyển động tích cực về hướng xây dựng một thành phố Quảng Ngãi “Xanh, Sạch, Đẹp”. Đó là hướng quy hoạch và xây dựng văn minh, hiện đại mà một số thành phố ở miền Trung đang tiến hành, và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Trong đó, thành phố Đà Nẵng là một điển hình cần được phát huy, học tập. Quy Nhơn hay Tuy Hòa cũng đang theo hướng phát triển văn minh như vậy. Chắc chắn, thành phố Quảng Ngãi cũng không thể khác.

 

Một góc TP. Quảng Ngãi.
Một góc TP. Quảng Ngãi.


Đầu tiên, để quy hoạch một thành phố “Xanh, Sạch, Đẹp”, thì dứt khoát không để các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường ở ngay trong lòng thành phố. Việc đó, nếu chưa tính được trong hôm nay, thì phải tính đến trong một tương lai gần, khi thành phố đã được quy hoạch và phát triển theo hướng đã ấn định.

Sự phát triển của thành phố Quảng Ngãi trong tương lai gần gắn với trục chính là sông Trà Khúc. Có một dòng sông chảy giữa thành phố là mơ ước của biết bao nhiêu thành phố trên thế giới này, nhưng không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi cho đặc ân đó. Quảng Ngãi đã được ưu đãi, vì thế câu chuyện là làm sao đừng để mất nó.

Tôi nghĩ, trong một tương lai xa hơn, công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ trả lại bớt lượng nước cho sông Trà, một khi Quảng Ngãi phát triển theo hướng công nghiệp hóa. Diện tích đất trồng lúa sẽ giảm, kèm theo đó là giảm lượng nước tưới. Chỉ khi đó, sông Trà mới thực sự có cuộc sống tương đối bình thường của nó, nghĩa là có lượng nước vừa phải quanh năm. Còn bây giờ, mùa khô coi như cạn nước. Còn mùa mưa lũ thì nước dâng cuồn cuộn một cách nguy hiểm.

Về quy hoạch phát triển thành phố dựa trên trục dọc sông Trà, thì cần xác định tâm điểm của thành phố. Từ đỉnh núi Ấn chiếu thẳng sang đỉnh núi Bút là một đường thẳng. Đó là đường tâm linh của thành phố mà có người gọi là đường “Huyền đạo”. Từ trục đường “ảo” mà thật này, thành phố mới nên phát triển theo ba vòng sóng.

Một vòng sóng ở ngay trung tâm, một vòng sóng ở giữa, và một vòng ngoại biên. Vòng sóng ngoại biên sẽ thâu tóm toàn bộ thành phố từ vòng ngoài. Đó là vòng sóng thuộc diện tích mới của thành phố. Đó là vòng sóng “Xanh”, nơi nông nghiệp sạch (trồng và chăn nuôi) được phủ sóng. Vòng sóng ở giữa sẽ là vòng sóng “Sạch” nơi giao thoa những khu vực dịch vụ của thành phố, nơi những khu đô thị văn minh được xây dựng để phục vụ người dân có nhu cầu. Vòng sóng ở ngay trung tâm chính là vòng sóng “Đẹp”, nơi thành phố thể hiện gương mặt đẹp đẽ nhất của mình. Nếu “ba vòng sóng” ấy được quy hoạch một cách chi tiết, khoa học và hiệu quả, và được xây dựng một cách đồng bộ, nó sẽ khiến thành phố Quảng Ngãi chính thức trở thành một thành phố “Xanh, Sạch, Đẹp” trong thực tế.  
 

Thanh Thảo
 


.