Cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ

04:05, 14/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam. Ngày 5.5.2014, tại hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát động cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ chống tham nhũng và đã chính thức phát lệnh “tuyên chiến với tham nhũng”. Phải coi đây là một cột mốc quan trọng trên tiến trình đổi mới, đưa Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới văn minh. Bởi đất nước chúng ta không thể phát triển, và trên thực tế, đang chứa đựng rất nhiều nguy cơ, nếu để nạn tham nhũng tiếp tục hoành hành như hiện nay.

Nói đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì kẻ thù của đất nước và nhân dân ta trong cuộc chiến này luôn là “kẻ thù giấu mặt”. Chiến đấu với một kẻ thù nguy hiểm nhưng luôn giấu mặt, và phải tìm mọi cách để lôi chúng ra ánh sáng, không hề là chuyện dễ dàng. Tham nhũng có hàng nghìn khuôn mặt, nhưng nếu nhìn vào một cách hời hợt và luôn hỏi “chứng cứ đâu?”, thì sẽ không thấy một khuôn mặt nào của tham nhũng cả.

Thực ra, nếu kiên quyết và những cơ quan có chức năng chống tham nhũng phải trong sạch, không thể vừa “đá bóng tham nhũng”, vừa “thổi còi chống tham nhũng”, lại biết dựa vào nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, dùng sức mạnh của nhân dân, thế trận “thiên la địa võng” của nhân dân trong cuộc đấu tranh này, thì tham nhũng nhất định sẽ bị lộ diện, sẽ bị trừng trị.

Đây là cuộc đấu tranh của Việt Nam, là câu chuyện của Việt Nam, vì thế, không phải thấy người ta chống tham nhũng thì mình cũng chống, thấy người ta làm mạnh thì mình cũng bắt đầu làm mạnh. Mỗi quốc gia đều có những vấn đề của mình trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, và phải tự giải quyết những vấn đề ấy nếu muốn cuộc đấu tranh có hiệu quả. Nhật Bản là một quốc gia rất phát triển, nhưng vừa rồi, khi Việt Nam bắt tạm giam 4 cán bộ ngành đường sắt Việt Nam, thì đều nằm trong một “nghi án công ty Nhật đưa hối lộ”, mà “chủ thể nghi đưa hối lộ” là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với số tiền lên tới 16 tỷ VND, với mục đích là nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật. Đây là vấn đề không mới.

Cách đây 6 năm đã xảy ra vụ đưa hối lộ trong dự án đại lộ Đông-Tây TP HCM cũng dùng vốn ODA và cũng từ Nhật Bản. Sau một thời gian dài điều tra, tháng 10.2010, TAND TP. HCM đã tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sỹ (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TP HCM kiêm giám đốc dự án đại lộ Đông-Tây TP HCM)) tù chung thân về tội nhận hối lộ. Nhưng đến phiên phúc thẩm 9.2011, ông này được giảm án xuống còn 20 năm tù. Vì những tiêu cực tại Dự án đại lộ Đông Tây, Nhật Bản đã ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam trong một thời gian.

Nói cuộc tuyên chiến với tham nhũng lần này là một cột mốc đánh dấu sự phát triển của đất nước chính vì tính chiến đấu, tính quyết liệt của cuộc đấu tranh đã được nâng cao lên rất nhiều, ngay nếu so với thời gian 4 năm trước, khi tuyên vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ. Với 4 quan chức ngành đường sắt Việt Nam vừa bị bắt, nếu bị điều tra và kết luận có tội tham nhũng, ăn hối lộ, chắc chắn mức án họ nhận sẽ không được giảm nhẹ như trong trường hợp vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ.

Nhân dân đang hết sức quan tâm chờ đợi, và tôi nghĩ, nhân dân sẽ không phải thất vọng. Phải “tuyên chiến” thì mới có “tuyên án”. Có chống tham nhũng thì mới làm trong sạch được đội ngũ. Không thể khác.    


Thanh Thảo


 


.