Đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh

08:12, 03/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Như tin đã đưa, sáng ngày 3.11, HĐND tỉnh đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XI. Buổi chiều, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2013 và định hướng năm 2014.

TIN LIÊN QUAN

Trong buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Minh Toản; đồng chí Cao Khoa- của Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng năm 2013 và nhiệm vụ phát triển năm 2014.
 
Giám đốc Sở kế hoạch- Đầu tư đã báo cáo tình hình thực hiện đầu tư phát triển năm 2013, nhiệm vụ năm 2014 của; Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và xây dựng dự án ngân sách nhà nước năm 2014; phát biểu của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi; Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Viết Chữ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2014. 

 

Chủ trì kỳ họp.
Chủ trì kỳ họp.
 
Trong buổi làm việc chiều 3.11, sau khi Trưởng ban văn hóa-xã hội HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế- xã hội năm 2013 và  nhiệm vụ 2014, đại diện Ban kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2013, nhiệm vụ kế hoạch đầu tư phát triển năm 2014; Giám đốc Sở Tài chính báo cáo giải trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2013 và nhiệm vụ phát triển năm 2014.
 
Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao kết quả đạt được của kinh tế-xã hội tỉnh trong năm 2013, bởi hầu hết các lĩnh vực đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì kinh tế-xã hội của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế mà tỉnh cần phải tập trung giải quyết trong thời gian đến.
 
Đại biểu Đoàn Dụng.
Đại biểu Đoàn Dụng.
Đại biểu Đoàn Dụng, cho rằng: Trước đây, hàng ngàn hộ dân ở khu đông Bình Sơn rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để nhường đất xây dựng Nhà máy lọc dầu, KKT Dung Quất và đến ở nơi tái định cư mới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều Khu tái định cư đã bị xuống cấp, hạ tầng đầu tư không đồng bộ, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần bố trí nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa, đầu tư hạ tầng cho những khu tái định cư trên.
 
Đại biểu Đoàn Dụng cũng nhấn mạnh, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh ven biển, có thế mạnh về kinh tế biển. Thế nhưng thời gian qua, hạ tầng nghề biển không được đầu tư nhiều, nhất là các nơi neo trú tàu thuyền cho ngư dân. Vì vậy, mỗi khi mưa bão là tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn trong việc neo đậu, tránh trú bão. 
 
Cùng với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh: So với nhiều tỉnh thành ven biển trong cả nước, thì Quảng Ngãi là tỉnh mạnh nhất nhì về thủy sản. Thế nhưng hiện nay, hạ tầng thủy sản của Quảng Ngãi quá yếu kém, hậu cần nghề cá thì hầu như không phát triển. Ngư dân đánh bắt thủy sản phải đi tiêu thụ ở các nơi khác nên rất lãng phí về tiền, của cũng như không giải quyết được lao động nông nhàn tại địa phương.
 
Quảng Ngãi cũng có thế mạnh về bãi biển, sông, đầm phù hợp cho nghề  nuôi trồng thủy sản, thế nhưng những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hầu như không phát triển, bởi tỉnh chưa thật sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này; chưa có nhiều nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản… Vì vậy, trong năm 2014 và những năm tiếp theo tỉnh cần có những chính sách để phát triển mạnh hậu cần nghề cá, phát triển ngành nghề thủy sản nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng. 
 
Đại biểu Nguyễn Minh Tuấn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tuấn.
Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, việc đầu tư cho xây dựng nông thôn mới hiện nay chưa mạnh, chưa tạo được phấn khích để người dân hăng hái tham gia. Tỉnh cần đầu tư mạnh hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi người nông dân đầu tư vào nông nghiệp rất lớn, thế nhưng sản phẩm đầu ra thì bấp bênh, không bền vững và chưa tìm được cây, con phù hợp.
 
Trong phát triển đô thị, đại biểu Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, tỉnh cần chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương thi công, sớm hoàn thành lại chợ Quảng Ngãi, bởi đây là bộ mặt của tỉnh, không để kéo dài, gây khó khăn và bức xúc cho nhân dân cũng như tiểu thương. 
 
Đại biểu Phan Bình.
Đại biểu Phan Bình.
Còn đại biểu Phan Bình, huyện Nghĩa Hành nói, thời gian qua, việc đầu tư cho phát triển nông thôn mới còn nhiều hạn chế, vì vậy nhiều địa phương khó có thể đạt được các tiêu chí nông thôn mới như kế hoạch. Vì vậy, tỉnh cần phải có giải pháp mạnh hơn trong đầu tư xây dựng nông thôn mới, và phải huy động cả hệ thống chính trị thì mới hy vọng đạt được các tiêu chí như kế hoạch đề ra.
 
Đại biểu Bình nhấn mạnh: Là một tỉnh thuần nông, thế nhưng tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2013 của tỉnh đạt khá thấp so với với chỉ tiêu công nghiệp và dịch vụ. Đây là một vấn đề cần quan tâm, bởi tăng trưởng thấp, đồng nghĩa với đời sống nông nghiệp không tăng. Năm 2014, sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi trận lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho nông dân, đặc biệt hàng ngàn ha bị sa bồi, thủy phá sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân vùng lũ cũng như ngành nông nghiệp.
 
Đại biểu Phạm Viết Nho
Đại biểu Phạm Viết Nho
Đại biểu Phạm Viết Nho, huyện Ba Tơ cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho huyện miền núi, nhờ đó đời sống đồng bào đã cải thiện đáng kể. Thế nhưng hiện nay, hộ nghèo ở huyện miền núi vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là đồng bào thiếu đất sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, kỹ thuật canh tác, sản xuất của đồng bào còn lạc hậu… Vì vậy, trong năm 2014 và những năm đến, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho người dân miền núi bằng khoa học, kỹ thuật, cây con giống phù hợp.
 
Nên rà soát lại các diện tích đất rừng đã giao cho các nông, lâm trường, tạo điều kiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất. Một thực trạng nữa là năm 2013, nhiều hộ dân ở 6 huyện miền núi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình làm nhà 167, vì vậy nhiều hộ gặp khó khăn trong việc làm nhà theo chương trình 167. Tỉnh nên chỉ đạo các ngân hàng sớm giải ngân vốn cho người dân…
 
Cũng theo đại biểu Phạm Viết Nho, ở huyện Ba Tơ nói riêng, các huyện miền núi trong tỉnh nói chung, tình trạng cơ sở vật chất của ngành y tế còn thiếu thốn, hạ tầng yếu kém, trường lớp xuống cấp… Đây cũng là nguyên nhân người dân chưa tiếp cận được công tác khám chữa bệnh; học sinh thì phải đi học xa, trường lớp thiếu… nên không khuyến khích các em đến trường, vì vậy tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. Năm 2014 và những năm đến, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa trong lĩnh vực y tế, giáo dục ở các huyện miền núi.
 
 
M.Toàn (lược ghi)
 
 
 
 

.