Cuồng phong và đại hồng thủy

03:11, 29/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, người dân miền Trung phải căng mình chống chọi với những cơn bão và trận lũ lịch sử. Cơn bão mang tên Hải Yến quét qua vùng Tacloban Philippines gây bao tang thương. Người dân miền Trung thở phào nhẹ nhõm vì cơn bão không đi như dự báo ban đầu, nhưng đã có đến nửa triệu người phải rời nhà cửa đi lánh nạn. Một cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để ứng phó với thiên tai.

TIN LIÊN QUAN

Khi người dân chưa kịp hết thở phào thì cơn “đại hồng thủy” chưa từng có lại xảy ra trên một khu vực rộng lớn ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên với mức độ thiệt hại kinh hoàng, dù họ đã quen sống chung với lũ. Nhìn lượng mưa, người dân ở Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh nghĩ rằng, nếu có lũ thì cũng chỉ bằng năm 1999 là cùng, nên chỉ kê đồ đạc lên cao hơn một tí, nhưng không ngờ trận lũ này đã vượt đỉnh và về nhanh chưa từng có.

Thế là mọi tài sản của người dân chìm trong nước lũ. Lũ dữ đi qua, nhà cửa đổ nát, gia súc, gia cầm chết la liệt, bùn giăng phủ khắp nơi, khiến cuộc sống người dân nghèo nay càng khó khăn hơn. Theo nhận định, một trong những tác nhân gây nên diễn biến khôn lường của cơn lũ lịch sử này là thủy điện, phần nào đó là do… nhân tai! Rừng không còn do phải nhường đất cho thủy điện, nên không cản được dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến lũ quét nhanh không kịp trở tay.

Chúng ta đang hướng đến sự phát triển bền vững. Nhưng bền vững thế nào được, khi đến mùa mưa bão, hàng chục nghìn hộ dân ở khúc ruột miền Trung vùng hạ du và nhất là những hộ dân ở dưới chân những đập thủy điện, hồ chứa nước (ngày càng được xây dựng hoành tráng) lại bị nước lũ đe đọa nhấn chìm?  Đầu tư phát triển thủy điện ồ ạt những năm gần đây tuy mang lại nguồn điện năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội song cũng đã cho thấy những điều “lợi bất cập hại”.

Các thủy điện, hồ chứa nước trước khi xây dựng  đều “nêu” mục đích sẽ góp phần “cắt lũ” cho vùng hạ du. Nhưng “cắt” đâu chưa thấy, mà chỉ thấy lũ ngày càng hung hãn hơn, nước về vùng hạ du nhanh hơn và mức độ tàn phá thì nặng nề hơn. Theo các chuyên gia về thủy lợi, hầu hết các đập thủy điện, hồ chứa nước ở miền Trung chỉ có quy trình vận hành đơn lẻ, không có dung tích phòng lũ, thậm chí nhiều thủy điện không có hệ thống điều tiết lũ, trong khi công tác dự báo độ chính xác không cao, dẫn đến việc xả lũ đồng loạt của các đập thủy điện gây ra lũ lớn cho hạ du. Hơn nữa, các thủy điện này đều không được đầu tư, nghiên cứu kỹ trước khi làm, dẫn đến tác động lớn đến nguồn nước, môi trường, mà hậu quả mỗi khi thủy điện xả lũ thì người dân vùng hạ du lãnh đủ.

Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, tiếp tục dừng, loại bỏ những dự án không phù hợp là việc làm cấp bách. Với những thủy điện đã đầu tư, phải rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành, cũng như chất lượng hồ đập, nếu không có giải pháp an toàn thì cũng mạnh dạn loại bỏ, chứ không nên để người dân cứ phải thấp thỏm mỗi khi trời đổ mưa.


X.Thiên-H.Triều
 


.