Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sẽ có nội dung về nhân sự

03:09, 12/09/2013
.

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các nội dung về nhân sự cần phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan liên quan.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên họp thứ 19 (ngày 10/7/2013), Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự kiến nội dung, thời gian và cách thức tiến hành kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.  


Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm, cùng với việc phải tập trung quyết định các vấn đề quan trọng, Quốc hội còn xem xét những dự án luật hết sức cần thiết.
 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào 21/10/2013 (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào 21/10/2013 (Ảnh minh họa: TTXVN)



Theo dự kiến nội dung làm việc tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án luật: Luật tiếp công dân, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Luật việc làm, Luật đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng

Quốc hội cũng cho ý kiến về 11 dự án luật: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật xây dựng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật hải quan (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự kiến Quốc hội làm việc trong 4 ngày để xem xét, thông qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận nội dung về kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về ý kiến của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết kỳ họp tới sẽ có nội dung về nhân sự và đề nghị cần bố trí thời gian hợp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các nội dung về nhân sự cần phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan liên quan nhưng chắc chắn sẽ có trong chương trình kỳ họp tới. Do đó, Văn phòng Quốc hội cần chuẩn bị thời lượng tương xứng.

Tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 35 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 3/12/2013./.


Theo Ngọc Thành/VOV online


.