Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật

03:09, 17/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 17.9, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật gồm: Luật Hoà giải cơ sở, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh…

TIN LIÊN QUAN

Luật hòa giải ở cơ sở, gồm  5 chương, 33 điều. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2013.
 
Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hoạt động hòa giải của tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
 
 
Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
 
Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
 
Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
 
Luật Phòng chống khủng bố được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập; kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam, hoạt động khủng bố và tài trợ khủng bố. Việc xây dựng luật cũng bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với chính sách đối nội, đối ngoại của nước ta.
 
Luật Phòng chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2013. Chương I (từ Điều 1 đến Điều 11) gồm những quy định chung, trong đó nêu rõ: Luật quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng chống khủng bố, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống khủng bố.
 
Luật được áp dụng cho các đối tượng gồm công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Chương I cũng quy định các nhóm chính sách sẽ được thực hiện để bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống khủng bố như: Nâng cao năng lực, sức mạnh của các lực lượng chức năng; khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; nghiêm trị các đối tượng thực hiện hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố…
 
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh với mục tiêu giáo dục cho công dân về kiến thức quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan về giáo dục quốc phòng và an ninh.
 
 
Tin, ảnh: PV

.